cũng dần được Hán hóa. Nhưng sau khi xảy ra khởi nghĩa Khăn Vàng,
họ đã tận mắt trông thấy triều đình nhà Hán không được lòng người,
bản tính cuồng vọng và dã tâm hung bạo không thuần của họ lại được
thổi bùng lên.
Tháng mười một năm Trung Bình nguyên niên (tức năm Quang
Hòa thứ bảy khi chưa đổi niên hiệu) thủ lĩnh bộ lạc quy phụ ở Hoàng
Trung là bọn Bắc Cung Bá Ngọc và Lý Văn Hầu dựng cờ tạo phản.
Chúng câu kết với bộ tộc Tiên Linh Khương, ra sức cướp bóc của cải
ở Lương Châu, và thông đồng với các quan lại nhà Hán là Biên
Chương, Hàn Toại cũng như bọn thổ phỉ Tống Kiến cùng nhau làm
loạn, đánh chiếm trọng trấn quân sự Kim Thành ở Lương Châu, giết
chết Hộ Khương hiệu úy Lãnh Trưng, và Kim Thành thái thú Trần Ý.
Thứ sử Lương Châu là Tả Xương tuy tổ chức vũ trang ngay lập
tức, nhưng cũng không đủ sức đánh lại, phải dần lui bước, mũi nhọn
của phản quân đã tiến thẳng vào vùng đất bên trong.
Lưu Hoành lại bị một phen sợ hãi, chỉ có cách lệnh cho Tả xa kỵ
tướng quân mới vừa về triều là Hoàng Phủ Tung lại lần nữa làm
tướng, dẫn quân đi bình định Khương loạn. Đồng thời xá miễn cho
Đông trung lang tướng Đổng Trác đang bị tội vì bại trận, lệnh cho ông
ta lấy công chuộc tội, lại thống lĩnh quân đội làm phó cho Hoàng Phủ
Tung, quay trở lại chiến trường Lương Châu để chống giặc.
Lần này, Tào Tháo không có ý định chủ động xin đi đánh giặc
nữa. Tuy từ nhỏ Tào Tháo vốn thích binh pháp, nhưng đến khi ra sa
trường mới thực sự hiểu rõ sự hủy hoại và tàn khốc của chiến tranh.
Một năm qua, y đã chứng kiến vô số người phải bỏ mạng ở chiến
trường, và quá nhiều thành trì làng mạc bị biến thành hoang phế. Qua
hai cuộc chiến tàn khốc khắc cốt ghi tâm ở Tây Hoa và Uyển Thành,
ba ngàn kỵ binh mà y dẫn đi số sống sót trở về chưa đến một phần
mười, cảnh tượng máu thịt tung tóe không ngớt vây bủa những giấc
mơ của y. Điều khiến Tào Tháo không thể nguôi ngoai được chính là
suy nghĩ khắc sâu trong lòng nảy sinh từ cuộc trấn áp quân Khăn