Binh mã của Lã Bố không nhiều, có một nửa là quân Tịnh Châu,
một nửa là phản quân Duyện Châu của Trần Cung, Hứa Tỷ, Vương
Khải quy phụ. Ngoài ra, trong thời gian Lã Bố theo gót Trương Dương
cũng có được một số quân ở Hà Nội. Tuy tổng binh lực còn thua xa
Tào Tháo, nhưng kỵ binh Tịnh Châu vốn nổi danh thiên hạ khỏe mạnh
thiện chiến, trong đó còn có một số quân lính người Hung Nô, Đồ
Cách, thế lực không thể coi thường. Chúng bày trận xếp quân Tịnh
Châu, quân Hà Nội ở trước, các bộ quân Duyện Châu ở sau, toàn bộ
trận thế phía trước hẹp, phía sau rộng, như một mũi dùi nhọn.
Tào Tháo biết rất rõ là kẻ địch mạnh, chỉ còn cách lấy đông lấn ít,
nói khó nghe một chút là trừ việc lấy thịt đè người ra sẽ chẳng còn
cách nào khác. Tào Tháo lợi dụng ưu thế về quân số, chia đại quân ra
làm bốn đội trên bình nguyên, đích thân thống lĩnh đội quân chủ lực
đã theo nhiều năm nay, và quân hổ báo kỵ của Tào Thuần cùng ba
doanh quân Hà Bắc của bọn Chu Linh xếp làm đội trung quân. Cánh
trái sai Tào Nhân, Vu Cấm, Lý Càn dẫn theo quân Duyện Châu. Cánh
phải là Tào Hồng, Biện Bỉnh, Đinh Phỉ thống lĩnh quân Thanh Châu.
Còn phía trước nhất là hai viên mãnh tướng Nhạc Tiến, Hạ Hầu Uyên
dẫn theo kỵ binh được tuyển chọn kỹ càng đi làm tiên phong. Dưới
con mắt của Tào Tháo, đội kỵ binh này tuy không so được với kỵ binh
Tịnh Châu, nhưng cũng đủ để chống trả mũi nhọn của quân địch. Chỉ
cần tiền đội chặn đứng quân địch, hai cánh tả hữu sẽ xông lên, trung
quân phía sau theo sát mà tiến, chẳng mấy chốc sẽ vây chặt quân địch,
mà nuốt trọn.
Hai bên đối trận, Nhạc Tiến, Hạ Hầu Uyên bắt đầu gây chiến
trước, dẫn theo kỵ binh xung phong. Tào Tháo thấy vậy, lập tức hạ
lệnh ba quân cùng tiến, đại quân đen đặc tiến về phía quân địch. Quân
Lã Bố tuy chỉ có một trận doanh, nhưng không hề sợ hãi, ngẩng đầu
xông tới không chút tránh né.
Nhưng đúng lúc hai bên sắp sửa giáp mặt. Quân Lã Bố đột nhiên
thay đổi thế trận, quân kỵ Tịnh Châu đi đầu bất ngờ giật ngựa quay