TÀO THÁO - THÁNH NHÂN ĐÊ TIỆN (TẬP 4) - Trang 251

Trương Tú thực lực mỏng yếu hơn nhiều, chính việc này đã khiến Viên
Thuật thêm ngông cuồng, hung hăng. Viên Thuật cho rằng triều đình Đại
Hán đã mất đi uy vọng thống trị, cho dù là Tào Tháo cũng không thể
khuông phò vực dậy nổi. Với suy nghĩ mình có được may mắn cộng với dã
tâm mưu đồ quyền lực, vào tháng Hai năm Kiến An thứ hai (năm 197) ,
Viên Thuật tự xưng làm hoàng đế, lấy hiệu là Trọng Gia, định đô ở Thọ
Xuân, trở thành đầu lĩnh chư hầu đầu tiên tự xưng đế kể từ khi thiên hạ đại
loạn tới nay.
Trước biến cố này, thái độ của Tào Tháo thực sự có chút như là coi họa của
người là niềm vui của mình. Thiên hạ vốn đang ùn ùn kéo về với Tào Tháo
theo cái gọi là “phụng theo thiên tử mà thảo phạt kẻ không thần phục” , giờ
Viên Thuật vừa xưng đế, tất cả mũi nhọn lại quay sang chuyển hướng về
Hoài Nam, vô hình trung lại có kẻ đứng ra thay thế Tào Tháo làm kẻ địch
chung cho thiên hạ. Để đánh Viên Thuật, càng phải lấy danh nghĩa thảo
phạt kẻ phản tặc mà lôi kéo, tập trung chư hầu vẫn đang cát cứ các nơi. Tào
Tháo và Tuân Úc lập tức ra chiếu cho vời ba người Đỗ Tập, Triệu Nghiễm,
Phồn Khâm đang lánh nạn ở Giang Hoài về Hứa Đô, cũng là để tìm hiểu
nội tình của Viên Thuật.
Đỗ Tập tự là Tử Tự, Triệu Nghiễm tự là Bá Nhiên, Phồn Khâm tự là Hưu
Bá, bọn họ đều ở huyện Dĩnh Xuyên, để tránh chiến loạn nên cùng xuống
phía nam Giang Hoài, tiếp theo sẽ định cùng đến Kinh Châu quy phụ mà
dựa vào Lưu Biểu. Nghe ngóng, biết tin thiên tử dừng chân tại Hứa Đô, cả
ba người cùng chuyển hướng quay về phía bắc và đồng ý ra giúp sức cho
triều đình. Tuy cả ba cùng nhau thông thương hàng hóa tài vật, cùng tiến
cùng lui, nhưng chẳng qua cũng chỉ là kế quyền biến tạm thời giữa đồng
hương với nhau, chứ trên thực tế, ba người bọn họ xử thế hoàn toàn khác
nhau: Đỗ Tập rộng rãi khoáng đạt, ăn nói hào sảng, tính tính cương nghị.
Triệu Nghiễm là người kín đáo hơn, không nệ việc lớn việc nhỏ, lúc nào
cũng hệt như lão quản gia mẫn cán. Phồn Khâm thì khá nổi tiếng bởi tài
văn chương thơ phú, là người khôn ngoan sắc sảo. Kỳ thực ba người như
ba cỗ xe ngựa cùng chạy trên đường, chẳng hề có điểm chung nào, nhưng
chính đường đời gian khó đã kết nối và gắn bó họ lại với nhau.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.