Chương XII: CHIA QUYỀN BINH-CHÍNH, CHỈ
ĐỊNH
TUÂN
DU
LÀM
QUÂN
SƯ
Củng cố mạc phủ
Do chiến trường Trung Nguyên không ngừng xung đột, việc bổ sung lương
thảo ngày càng cấp thiết, chế độ cải cách đồn điền của Tào Tháo ngày một
tỏ rõ tác dụng. Năm ấy triều đình liên tục dụng binh, nhưng đến gần cuối
năm, trong kho vẫn thừa lương ăn, số lương thực do bách tính ở Hứa Đô
sản xuất ra hoàn toàn có thể đảm bảo được việc cung ứng cho tiền tuyến,
hơn nữa Điển nông Trung lang tướng Nhậm Tuấn còn thử nghiệm chế độ
đồn điền ra các khu vực khác.
Lương là gốc của quân, dân lấy ăn làm đầu. Được nguồn lương thực bổ
sung liên tục từ hậu phương, nên quân đội của Tào Tháo có thể liên tục
xuất binh không hề mệt mỏi, tạo nên sự tuần hoàn rất nhịp nhàng. Nếu
đem so ra, những thế lực cát cứ khác ở Trung Nguyên ngày càng suy yếu:
Viên Thuật ở Hoài Nam đất đai nghèo nàn, nơi nơi khốn khó; Trương Tú ở
huyện Nhương binh ít lương thiếu, phải trông chờ vào người khác; Lã Bố
tuy ngồi giữ Từ Châu, nhưng ba cánh thế lực thủ hạ ở Từ Châu, Tịnh
Châu, Duyện Châu cũng vì tranh đoạt lương thực mà ngấm ngầm hiềm
khích nhau.
Quan trọng hơn là, Trương Tú vốn xuất thân là cựu tướng Lương Châu, lâu
nay lại nổi danh vũ dũng, do đó sự thất bại của Tú đã làm chấn động từ
Quan Trung tới Tây Lương. Từ sau khi Đổng Trác chết, một dải đất
từ Hoằng Nông sang phía tây là thiên hạ của những kẻ võ phu, lớn có nhỏ
có, cát cứ tới mấỵ chục nơi khác nhau.
Kẻ nào chỉ cần có vài ngàn quân mã đều dám tự tung tự tác. Bọn chúng dựa
vào một mẫu ba phân đất mà tha hồ tung hoành tàn sát lẫn nhau, trước nay
chưa bao giờ chú ý đến thế cục ở Quan Đông. Nhưng từ sau chiến bại của
Trương Tú, chư tướng ở Quan Trung đã ý thức được uy lực của Tào Tháo.
Lại thêm Chung Diêu đi kinh lược Quan Trung, nên thế lực cát cứ ở Quan
Trung mà đứng đầu là Đoàn Ổi bắt đầu quy thuận về triều đình Hứa Đô.
Trong một dạo, việc sai sứ giả về triều trở thành xu hướng chung, bọn đầu
sỏ loạn quốc Lý Giác, Quách Tỷ bị rơi vào tình thế hoàn toàn cô lập.