- Sai Hạ Hầu tướng quân đi trước thật không ổn. - Tuân Du nãy giờ vẫn
chưa nói gì, chợt chen vào.
- Ồ? Công Đạt chưa được thấy tài dụng binh của Nguyên Nhượng ư? - Tào
Tháo hỏi dò.
Tuân Du mỉm cười. Trong mắt ông ta, Hạ Hầu Đôn giỏi việc trị quân,
nhưng kém chuyện tấn công; là người giỏi nắm giữ quân cơ, nhưng công
thành cướp đất lại chưa hẳn đã giỏi. Nhưng nguyên nhần khiến ông ta ngăn
cản Tào Tháo lại chẳng chỉ có vậy: - Xin Tào công thử nghĩ xem, Lý Giác,
Quách Tỷ là bọn quốc tặc, có tội gây ra họa loạn, đâu phải như bọn Trương
Tú, Lã Bố. Theo quy chế triều đình, việc dẹp loạn về lý nên sai quan viên
triều đình ra quân, hoặc là trung lang tướng, hoặc là yết giả bộc xạ. Sai Hạ
Hầu tướng quân đi, xét về quy chế dường có điều không thỏa đáng. Đó là
lý do thứ nhất.
Tào Tháo cảm thấy lý do ấy dường có chút giáo điều, nhưng nghe Du bảo
“đó là lý do thứ nhất” , liệu rằng vẫn có lý do khác nữa, vội hỏi: - Vẫn còn
nguyên nhân khác nữa ư?
Tuân Du lại nói: - Các tướng ở Quan Trung đều có hiềm nghi lẫn nhau,
không thể nhất trí, nếu đại binh tiến vào, sẽ khiến chúng tập hợp lại với
nhau để cùng chống ngoại hoạn, cho nên dẫn quân vào ải tuyệt không phải
là thượng sách. Đó là lý do thứ hai.
Lý do đầu tiên chẳng qua chỉ là một chiêu bài danh nghĩa chính thức, còn lý
do thứ hai mới là vấn đề then chốt. Tào Tháo trầm ngâm giây lát: - Vậy hãy
tạm để hai tên giặc ấy sống thêm mấy ngày nữa.
- Chuyện ấy cũng không cần thiết. - Tuân Du cắt ngang bảo, - Binh vô
thường thế, thủy vô thường hình
2
, chiến sự trong thiên hạ bên này mạnh
lên, bên kia tất yếu đi. Minh công dựng lại miếu đường ở Hứa Đô, đó là
có thù không đội trời chung với hai tên giặc Lý, Quách. Khó khăn lắm mới
khiến các tướng ở Quan Trung sai sứ đến tấn kiến, sao lại có thể bỏ lỡ cơ
hội tốt để giết giặc? Hôm nay nếu không thể kéo chư tướng ở Quan Trung
vào làm bộ hạ, một khi chiến sự ở Trung Nguyên chẳng may có biến động,
khi đó Lý Giác, Quách Tỷ cho tới chư tướng ở Quan Trung sẽ đều muốn
chạy theo làm bộ hạ cho kẻ khác.