quy hàng thì phía đông Hứa Đô có thể bình định hoàn toàn. Nếu
vội vã lui binh thì khác nào không trừ ác tận gốc, khó tránh khỏi
chuyện sẽ sinh biến khi quyết chiến với Viên Thiệu ở đất Thanh,
Từ. Việc này thành bại đều trông cậy cả vào Trương Liêu, Tào
Tháo không thể đoán trước kết cục, chỉ âm thầm cầu xin ông trời
phù hộ cho hắn mã đáo thành công.
Qua bao ngày thấp thỏm chờ đợi, đến giờ Thân ngày thứ
mười vẫn bặt vô âm tín, ngay cả Tuân Du, Quách Gia đều không
hy vọng gì nữa, Tào Tháo chỉ biết âm thầm chấp nhận. Từ Châu
cuối cùng đã không thể về tay một cách trọn vẹn, viên hổ tướng
cũng không còn thể diện mà quay trở lại, đành thở dài hạ lệnh
tướng sĩ toàn doanh tập hợp quân nhu, hôm sau khởi binh thẳng
tiến Hà Nội. Nào ngờ quân lệnh vừa truyền thì lính trinh sát báo
tin: - Ở phía đông có năm kỵ sĩ đang phi ngựa về phía doanh trại,
người dẫn đầu hẳn là Trương Liêu! - Tào Tháo phấn chấn hẳn lên,
quên cả việc triệu tập văn võ, đích thân dẫn binh ra khỏi doanh trại
dõi mắt trông ngóng.
Một lát sau, từ trong đám cát bụi mù mịt xuất hiện năm kỵ sĩ
liên tục ra roi thúc ngựa, phi như bay dưới ánh nắng còn sót lại của
buổi chiều tàn. Tào Tháo như bị ma nhập, quên mất thân phận của
mình mà gào toáng lên: — Người tới kia có phải là Trương Văn
Viễn?
Người đi đầu giơ cao roi ngựa vung thành một hình vòng
cung, đáp lời: — Minh công!... Tại hạ đưa bọn họ tới rồi đây!...
— Tốt quá rồi! — Tào Tháo ngần này tuổi rồi còn kích động
đến nỗi nhảy cẫng lên, hai cánh tay khua khua vẫy vẫy rối rít chào
bọn họ. Năm kỵ mã càng lúc càng hiện rõ dần, người đi đầu tư thế
anh hùng, hào hoa xuất chúng chính là Trương Liêu. Bốn người