nay ông mới ý thức đến chuyện Tào Ngang tử chiến ở Uyển Thành
nghiêm trọng thế nào.
Thuận dòng suy tư, Tuân Úc càng trăn trở càng sợ hãi, vội quay về
chỗ ngồi tiếp tục xử lý công văn để có thể hóa giải nhanh nhất nỗi bất
an ấy. Lơ đễnh đọc hồi lâu, ông mới nhớ ra phong mật thư Tào Tháo
gửi cho vẫn chưa đọc.
Hóa ra chiến sự ở Hà Bắc không được thuận lợi như dự kiến. Tuy
trận Thương Đình khiến cho quan viên ở một số quận huyện dao động
nhưng Viên Thiệu lại tập trung binh mã dẹp loạn kịp thời, quyết tâm
không cho Tào Tháo cướp được một tòa thành trì nào. Nếu thế cục như
vậy vẫn tiếp diễn thì rõ ràng sẽ không thể nhanh chóng thu phục Hà
Bắc. Lại thêm Lưu Bị vẫn còn gây họa ở Nhữ Nam, nên đành nhanh
chóng thu quân kết thúc cuộc chiến. Cùng với thư còn có bản kê tên các
tướng có công trong trận Quan Độ, đòi Tuân Úc làm biểu tấu, tất cả
hơn hai mươi người, người đứng đầu danh sách là Trương Tú còn có
thêm yêu cầu ban cho phong ấp một ngàn hộ.
Tuân Úc hơi chần chừ, ban cho võ tướng đãi ngộ cao như vậy phải
chăng là quá coi thường các quan trong triều? Bởi trong số các lão thần
có công trạng, rất nhiều người không được phong ấp. Nhưng từ khi cử
binh ở Trần Lưu đến nay, Tào Tháo chưa hề có ý thăng thưởng tướng
có công nào, nhân cơ hội này ban đãi ngộ cao cho họ dường như cũng
không có gì quá. Tuân Úc đang ở vị trí chẳng những không thể phản
bác Tào Tháo, mà cũng không thể thúc ép hoàng đế, hơn nữa không thể
để người ngoài nói ra nói vào, thực sự nan giải. Ông nghĩ đi nghĩ lại,
cuối cùng vẫn quyết định làm theo lời Tào Tháo, mở tấm lụa ra viết thư
trả lời, nhân tiện báo cáo cả chuyện Tôn Quyền tập kích Lý Thuật.
Nhưng vừa nhấc bút, ngẩng lên nhìn, ông lại trông thấy tấm danh thiếp
của Lưu Trinh.
Tuân Úc bắt đầu hối hận vì đã bằng lòng chuyện này với Tào Phi,
nó sẽ tạo ra một tiền lệ không hay. Nghĩ lại mấy hôm trước, hoàng đế
Lưu Hiệp cũng oán trách ông không dùng người theo ý của ngài, đường
đường thiên tử mà còn không bằng mấy vị công tử Tào gia. Quyền thế