- Ấy chết, ông tha lỗi cho! Tôi vì cao hứng đã nói ra ngoài đầu đề
nhiều quá.
Sở dĩ tôi nhắc đến sự phát đạt của bọn thầy lang "hạ bộ", là muốn đem
chứng rõ sự thịnh vượng của bệnh hoa liễu đó thôi.
Thanh niên ở thành thị ngày nay, tôi thấy ít người thoát khỏi cái bệnh
quái gở ấy. Có người mắc đi mắc lại đến năm, bảy lần mà vẫn không chừa.
Trong các gia đình vợ chồng còn trẻ, tôi thấy nhiều đứa trẻ con vì cái di tộc
của hoa liễu mà chốc lở, gầy còm, xanh xao, sống một vài tuổi thì chết, thật
là tội nghiệp.
Bây giờ đây, số người của mình còn đương mỗi ngày mỗi tăng, các
báo và các nhà cầm quyền luôn luôn phải lo đến nạn nhân mãn. Nhưng mà
nạn ấy chẳng bao lâu nữa thì hết, bởi vì trong máu An Nam vi trùng hoa
liễu lẫn vào đã nhiều. Chỉ độ năm chục năm nữa, nó sẽ làm cho nòi giống
của mình điêu linh dần dần, không khéo một ngày kia sẽ đến tiêu diệt, có
thể nào "nhân mãn" mãi được.
Thế là bệnh hoa liễu bây giờ đã trở thành cái bệnh thông thường của
người mình rồi.
Ba mươi năm về trước đâu có như thế.
Tôi còn nhớ, một năm, vào khoảng giáp Tết, tôi cùng người bạn lên
chơi vùng Sóc Sơn, khi về, tiện thể vào thăm cảnh chợ Cổ Loa.
Chợ ấy kể cũng vào hạng chợ lớn trong xứ Bắc Kỳ. Nó là chỗ mua
bán của nhân dân mấy huyện Đông Anh, Kim Anh, Đông Ngàn, Yên
Phong, và Gia Lâm. Những thứ lâm sản như măng tre, nấm hương ở
thượng du vẫn đem về đó tiêu thụ. Rồi những đồ dệt như vải lụa, khăn áo...
và các đồ đan như rổ rá, thúng mẹt... của trung châu đều do đó mà tải lên
thượng du.