Hay là:
"Tiễn đưa một chén quan hà
Xuân đình thoắt đã đổi ra cao đình".
Ấy đó, công dụng cái đình của Tàu ngày xưa, chẳng qua có vậy. Vậy
mà đến khi sang ta, nó đã thay đổi khác hẳn.
Đến đó, ông tạm ngừng lại để vớ lấy chiếc xe điếu và đặt mồi thuốc
vào nõ điếu. Tôi hỏi bằng giọng trịnh trọng:
- Thưa cụ, bên ta có đình từ đời nào, cụ có biết không?
Thở hết khói thuốc trong miệng, cụ đáp:
- Thuở nhỏ tôi có đọc một cuốn sách nói đến chuyện đó, bây giờ quên
mất tên sách, nhưng câu chuyện còn nhớ mang máng. Hình như cái đình
của ta mới có từ hồi Bắc thuộc. Là vì, hồi ấy nước mình bị làm quận huyện
của Tần và Hán, chế độ hương thôn cũng phải theo như của họ. Mấy anh
Nhâm Diên, Tích Quang, Mã Viện, Sĩ Nhiếp đem văn hóa nước họ truyền
sang bên này, tất nhiên họ phải đem cả cái đình sang nữa. Có điều, cái đình
của mình bây giờ, cũng như cái đình của Tàu ngày xưa, chỉ để thợ cày, thợ
cấy và người đi đường tránh mưa, tránh nắng, không có thờ cúng gì cả.
Cái tục thờ cúng tại đình mới bắt đầu từ đời nhà Lý. Bởi tại nhà Lý
sùng thượng đạo Phật nên mới bắt buộc các đình dân gian đều dựng tượng
Phật tất cả.
Trong hồi ấy, cái đình ngoài việc thờ Phật, còn làm hành cung của nhà
vua nữa.
... (kiểm duyệt)...