Chợt thấy có tiếng cót két, ổng phải bừng mắt trông ra. Một chị hàng
cháo đương dún dót bước ở cầu trên với bộ quang gánh kĩu kịt. Thích chí
một cách rạo rực, ổng cũng khanh khách cười dưới gầm cầu.
Tiếng cười bật ra thình lình, khiến chị hàng cháo giật mình đánh thót,
ngã nhào từ trên cầu xuống.
May được chỗ đó nước nông chị ấy không bị chết đuối. Khi chị chàng
lóp ngóp đứng lên, ổng vẫn nằm khểnh trên mặt cầu dưới, còn sướng chưa
hết, tiếng cười vẫn giòn tan. Trông hai nồi cháo đổ ụp xuống nước, chị này
vừa xót của vừa bực mình, sẵn chiếc đòn gánh nổi trên mặt nước, chị ta vớt
lấy và giơ thẳng cánh phang luôn cho ổng mấy cái. Đòn trúng chỗ phạm,
ổng giãy đành đạch rồi tắt thở.
Đồng vắng, kẻ giết người trốn thoát. Chiều đến, đàn quạ dập dìu kéo
đến quanh cầu đưa những tiếng kêu quàng quạc. Người làng mới biết dưới
cầu có người chết, họ bèn đem bộ di hài ông Cuội táng vào góc gò gần đấy.
Một tháng sau trong làng thấy động, gà chết, chó chết, lợn chết, trâu
chết rồi đến người chết. Thầy bói bảo đó là vong hồn ông Cuội quấy nhiễu,
vì ông chết được giờ linh, hiện nay được làm vị thần to lắm.
Cho được tạ tội với ổng, người ta phải lập ngôi đền vào chỗ lều cũ của
ổng, quanh năm hương khói phụng thờ.
Sống làm sao, thác cũng chiêm bao làm vậy. Lúc ổng còn ở trên đời
chỉ xem thiên văn vẫn chưa thỏa, nên khi làm đức thượng đẳng, ổng vẫn
thèm xem thiên văn. Vì thế ổng đã đạp đồng (2) bảo người làng Ngang phải
phá mấy dịp cầu tre của ổng đã bắc và không được lấp vũng lội giữa
đường. Để cho đàn bà qua đó đều phải vén quần mà lội. Ổng ở trong đền cứ
việc tự do mà nhìn.
Nghe nói ổng đã được phong đại vương. Lòng sắc cũng đủ những chữ
"hộ quốc tý dân, nẫm trừ linh ứng". Trải bao dâu bể, miếu mạo của ổng và