Phóng sự Dao cầu thuyền tán đã vạch trần thủ đoạn đen tối và tập
trung đả kích quyết liệt vào bọn lang băm bịp bợm, vừa làm thuốc, vừa làm
chủ nhà săm, vừa cho thuê đòn đám ma.
Vận dụng kiến thức sâu rộng về y học hiện đại để nghiên cứu Đông y,
Ngô Tất Tố chỉ rõ: "Thuốc Tàu tuy là môn thuốc rất hay nhưng những
người soạn ra sách thuốc đều chưa biết khoa học là gì, họ đem thuyết "âm
dương ngũ hành" mà làm cho nghề thuốc của Tàu và của ta phải mờ ám
như một môn huyền học. Bây giờ phải đem những thứ dược vật học, sinh lý
giải phẫu học, bệnh lý học< mà bồi bổ cho khuyết điểm ấy< Giả sử chúng
ta có một phòng thí nghiệm tính chất của thuốc Bắc và thuốc Nam và một
trường học dùng phương pháp khoa học nghiên cứu nghề thuốc Tàu thì
may ra cái nạn giết người lấy của ở xã hội thầy lang mới trừ bớt được"
(Trích bài viết trên báo Công dân, số 5 ngày 23.10.1935).
Mỗi câu chuyện trong Tập án cái đình, trong Dao cầu thuyền tán cùng
với những câu chuyện trong Việc làng, đã bổ sung cho Tắt đèn, tạo dựng
nên tấm gương phản chiếu về cuộc sống của dân quê, về toàn cảnh quê
hương của tất cả mọi người dân nước Việt, một dân tộc và đất nước đã tồn
tại, đã gắn bó biết bao đời với sản xuất nông nghiệp.
Các tập phóng sự còn giới thiệu với bạn đọc những hiểu biết về cội
nguồn, về lai lịch các vấn đề được miêu tả, người đọc luôn luôn cảm nhận
được chính kiến - lúc thì mềm dẻo, khi thì rất mực kiên định của tác giả
trước sự đời, việc đời và thái độ của tác giả phủ định mạnh mẽ đối với
nhiều mặt cơ bản của xã hội phong kiến.
Phóng sự của Ngô Tất Tố đã cô đúc nhiều bài học thiết thực và sinh
động về tâm huyết, về trí tuệ, về nghệ thuật sáng tác, góp phần quyết định,
thôi thúc cho những ai da diết nuôi dưỡng niềm đam mê theo đuổi "nghề
viết phóng sự" vô cùng vất vả nhưng hết sức sống động trong làng báo,
làng văn.