98
Tạp chí
Kinh tế - Kỹ thuật
hấp dẫn về văn hoá, (6) mối quan hệ tốt với bên nhận quyền, (7) sự lựa chọn tốt nhất của người
nhận quyền, (8) lựa chọn địa điểm hoặc vị trí, (9) khả năng quản lý từ xa.
Scott và cộng sự (2015) chỉ ra các nhân tố: (1) sự thoả mãn của bên nhận quyền (Johns và
cộng sự, 2004; Morrison, 1997), (2) quyền của bên nhượng quyền (Dahlstrom và Nygaard, 1999;
Lim và Frazer, 2004), (3) mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền (Clarkin và
Swavely, 2003; Nathan, 1996), (4) truyền thông (Anderson và Narus, 1990; Frazer, 2004), (5) sự
hỗ trợ của nhà nhượng quyền (Frazer, 2001; Pilling, 1991), (6) khả năng kinh doanh của nhà nhận
quyền (Dandridge và Falbe, 1994; Frazer, 2004) và (7) các tiêu chí lựa chọn của nhà nhận quyền
(Jambulingam và Nevin, 1997; McCosker, 2000).
Trong khi đó, Zoltan (2017) nêu ra các kỹ thuật được áp dụng trong nghiên cứu chủ yếu theo
các phương pháp mô tả bởi Miles và Huberman (2013) và Yin (2013), theo đó, có sáu nhân tố
chính: (1) thực thi hợp đồng, (2) khả năng thích ứng văn hoá, (3) quản lý từ xa, (4) quản lý rủi ro
của nước chủ nhà, (5) tiếp cận tiếp thị và (6) quản lý đối tác.
Mô hình đề xuất
Dựa trên cơ sở lý luận đã phân tích nêu trên, mô hình nghiên cứu đề xuất cho đề tài này gồm
16 yếu tố: (1) khả năng thích nghi văn hóa, (2) khả năng kinh doanh và quản lý hệ thống của
nhà nhận quyền, (3) khả năng quản lý từ xa của nhà nhượng quyền, (4) các tiêu chí lựa chọn của
nhà nhận quyền, (5) sức mạnh thương hiệu, (6) môi trường cạnh tranh, (7) sự thoả mãn của bên
nhận quyền, (8) vị trí địa lý, (9) quyền của bên nhượng quyền, (10) các yếu tố liên quan đến bên
nhượng quyền, (11) các yếu tố liên quan đến bên nhận quyền, (12) tiếp cận tiếp thị, (13) không
gian, (14) sự hỗ trợ của nhà nhượng quyền, (15) mức độ hiểu biết về các quy định của hợp đồng
nhượng quyền và (16) mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền (tin tưởng, sự hài
lòng, xung đột).
3. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua các cuộc phỏng vấn. Trong nghiên
cứu định tính, nhà nghiên cứu là công cụ chính trong việc thu thập dữ liệu chứ không phải một cơ
chế vô tri vô giác nào (Lincoln và Guba, 1985; Merriam, 1988). Dữ liệu xuất hiện từ một nghiên
cứu định tính có tính chất mô tả. Nghĩa là, dữ liệu được tường thuật bằng lời (chủ yếu là từ ngữ
của những người tham gia) hay tranh ảnh, chứ không phải bằng những con số (Merriam, 1988;
Marshall và Rossman, 1989). Trọng tâm của nghiên cứu định tính là về nhận thức và kinh nghiệm
của người tham gia và cách họ nhận thức cuộc sống của họ. Do đó, nỗ lực của nhà nghiên cứu
không phải là tìm hiểu một, mà là nhiều thực tế (đa thực tế) (Lincoln và Guba, 1985).
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành phỏng vấn cá nhân trực tuyến đối với bên
nhượng quyền là người sống ở nước ngoài (do cản trở về mặt địa lý nên không thể phỏng vấn mặt
đối mặt trực tiếp). Bên cạnh đó, 15 nhà nhận quyền của thương hiệu KFC đã được lựa chọn phỏng
vấn cá nhân đối mặt trực tiếp dựa trên 2 tiêu chí: (1) cửa hàng vẫn còn đang hoạt động và ở vị trí
khu vực khác nhau để kết quả nghiên cứu có thể đưa ra một cách chuẩn xác hơn và (2) thương hiệu
đi vào hoạt động kinh doanh nhượng quyền hơn 14 năm và đã có mặt ít nhất là ở bốn thị trường
nước ngoài để cho thấy đối tượng cung cấp dữ liệu thông tin có giá trị.
KFC là một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ chuyên về các sản phẩm gà rán và nướng,
với các món ăn kèm theo và các loại sandwiches chế biến từ thịt gà tươi. Trong 15 nhà nhận quyền
có 8 người đã phản hồi tích cực, những người còn lại hoặc không phản hồi hoặc từ chối hợp tác.
Tất cả những người phản hồi đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực franchising. Với sự cho
phép của người được phỏng vấn, mỗi cuộc phỏng vấn đều được ghi âm và lưu lại.