192
Tạp chí
Kinh tế - Kỹ thuật
mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ Việt Nam nói chung. Đây là hiện tượng rất đáng được trân trọng
và khích lệ trong cộng đồng. Bởi lẽ chính những hoạt động khởi nghiệp thành công, sẽ góp phần
thiết thực làm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ cung ứng cho xã hội, đáp
ứng nhu cầu nâng cao đời sống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Tuy nhiên, do những đặc thù sáng tạo của nó, hoạt động khởi nghiệp cũng luôn tiềm ẩn khả
năng rủi ro cao. Do vậy, để có thể hạn chế tối đa những tổn thất và đạt được thành công như mong
đợi, đối với hoạt động khởi nghiệp luôn là vấn đề vô cùng khó khăn. Điều này lại càng đúng hơn,
nếu như chúng ta nóng vội hành động ngay, khi còn chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ
bản và cũng chưa tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết về khởi nghiệp.
Cũng như sinh viên các trường đại học khác, sinh viên trường đại học Kinh tế-Kỹ thuật Bình
Dương - BETU - mang trong mình những tố chất của người sinh viên nói chung. Họ là những người
được trang bị kiến thức khoa học, có bản lĩnh, luôn năng động, tự tin và biết tự đánh giá mọi mặt
về bản thân; biết lắng nghe, học hỏi và làm việc tập thể; tự nhận thức, ra quyết định và xử lý vấn
đề một cách nhạy bén, sáng tạo;…Tuy chưa phải là tất cả, song đây cũng là những yếu tố cần thiết
bước đầu, tạo nền tảng cho sự thành công trong khởi nghiệp.
Trong Hội thảo này, chúng tôi muốn tham gia trao đổi về 2 vấn đề chính, với hy vọng cung cấp
thêm một số nội dung thông tin tham khảo hữu ích và cùng trao đổi với các bạn sinh viên BETU
– những người đã, đang và sẽ hướng tới mục tiêu khởi nghiệp của mình, đạt được mọi thành công
vượt xa điều kỳ vọng.
1. Một số vấn đề bàn luận tổng quan về Khởi nghiệp
2. Một số gợi ý đối với sinh viên BETU để chuẩn bị cho khởi nghiệp thành công.
1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÀN LUẬN TỔNG QUAN VỀ KHỞI NGHIỆP
1.1. Quan niệm về Khởi nghiệp
Trước khi tiến hành trao đổi cụ thể về nội dung chính: cần làm gì để khởi nghiệp thành công;
trước hết chúng tôi muốn nêu một số suy nghĩ xoay quanh quan niệm về Khởi nghiệp để chúng ta
cùng bàn luận thêm.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, “ Khởi nghiệp ” được hiểu một cách đơn giản, phổ thông thì đây
chính là một cụm từ được ghép bởi hai từ và khi ta tách cụm từ này thành 2 từ riêng, có nghĩa là
khởi tạo - doanh nghiệp; trong đó khởi tạo là chỉ hành vi tiến hành tổ chức, thành lập một đơn vị để
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,…hay gọi chung là doanh nghiệp. Như vậy, Khởi nghiệp theo cách
hiểu đơn giản thì nó chỉ đơn thuần là hành vi của một cá nhân hay một nhóm người ( gọi chung là
chủ thể ) tiến hành thành lập một đơn vị sản xuất ( kinh doanh ) loại sản phẩm, dịch vụ nào đó nhằm
đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng xã hội.
1.2. Sự khác biệt giữa Khởi nghiệp và Startup
Liên quan tới thuật ngữ Khởi nghiệp, thuật ngữ Start-up cũng thường được sử dụng trong cộng
đồng. Thuật ngữ Startup đã xuất hiện từ lâu và trở thành phổ biến trên phạm vi toàn cầu, thu hút
được sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu lý thuyết mà còn được triển khai ứng dụng
bởi các nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực. Startup đã trở thành một nguồn động lực quan trọng, thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Vậy có gì khác nhau giữa Khởi nghiệp và Start-up ?
Chúng tôi cho rằng giữa khởi nghiệp và Startup tuy có nội dung gần nhau nhưng không phải
là một. Do vậy sẽ là không chính xác nếu sử dụng thuật ngữ khởi nghiệp (start-up) hoặc start-up
(khởi nghiệp).