lại. Tôi muốn tìm lại dấu chân ngày xưa, những kỷ niệm thật êm đềm mà
tôi gói gắm mang theo.
Con đò Long Kiển ngày xưa đưa tôi đến chợ chồm hổm Tân Qui, và bến xe
Cây Thị bây giờ vẫn còn đó, tuy có một ít nhiều thay đổi. Nhưng Nhị
không còn ở ngã ba Cây Thị nữa.
Tôi theo đoàn xe du lịch đi Ban Mê Thuộc, du lịch cao nguyên.
Tôi đang mơ màng thì đoàn người trở lại xe sau khi ăn sáng. Những tiếng
động đã đánh thức tôi dậy, tôi vừa nhìn ra cửa sổ xe thì: Mía ghimmm đây,
mía ghimmm đây… rồi chiếc xe từ từ lăng bánh.
Hơn một tiếng đồng hồ sau xe đã đến Gia kiệm. Ngôi nhà thờ Thiên Chúa
giáo ngày nào vẫn nằm sừng sững bên mặt đường. Hai bên đường là những
líp thuốc lào được phơi ngay hàng thẳng lối. Những quần xanh áo trắng kéo
nhau đến trường.
Từ đây xe chạy mãi về hướng cao nguyên, qua con sông La Ngà rồi Ðịnh
Quán với ba hòn đá chồng. Xa xa lên nữa là ngã ba Bão Lộc, và rồi cuối
cùng đoàn xe cũng vượt bao nhiêu đèo cao để đến Ban Mê Thuộc. Ở đây
du khách đi chơi tứ phía, cởi voi, cởi ngựa, vân vân. Tôi đứng ngắm những
cảnh hùng vĩ của núi đồi cao nguyên mà nhớ lại quê tôi.
Những ngày kế tiếp tôi vào thành phố để tìm người anh, anh Ty, ngày xưa
người cùng làng tôi và sau này anh lên dạy học ở đây. Cũng mấy mươi năm
rồi mới gặp lại, anh nói thao thao bất tuyệt về những này sống chung ở chợ
Cây Quéo, Sài Gòn. Rồi anh Ty còn cho tôi biết nữa là anh Ba, người thầy
dạy sửa đồng hồ cho tôi cũng ở Ban Mê Thuộc nầy. Vậy là không hẹn mà
gặp, tôi tìm đến gặp anh Ba.
Lâu rồi ai mà không thay đổi, tôi gặp anh Ba trong ngỡ ngàng và nếu không
giới thiệu có lẽ anh cũng không nhìn ra tôi. Anh Ba dẫn tôi đi thăm rừng cà
phê của ảnh, và hỏi tôi rằng:
- Chú vê đây để tìm một người phải không?
- Tìm ai đâu, tui chỉ đi du lịch lên đây chơi, và biết anh Ty ở đây, tìm tới
thăm rồi lòi ra anh đó chớ tìm ai.
- Thiệt không?
- Nữa, đã nói như vậy rồi mà.