Đồng Sa Băng
Tập truyện ngắn Dấu chân ngày xưa
Mẹ
Năm mười bảy tuổi Mẹ đã về với Cha. Mẹ ở Ðồng Xuân, Cha ở Núi
Ðồi, cách nhau hơn hai cây số và một cây cầu, vậy mà mãi đến ngày lập gia
đình Mẹ mới biết mặt Cha.
Ngày đó Mẹ cũng ôm sách đến trường Lê Khiết cùng Cậu Út. Nhưng Mẹ là
con gái nên có hôm Ngoại cho Mẹ đi học, có hôm Ngoại bảo Mẹ phải ra
đồng coi mấy người thợ cấy, và đem nước cho thợ. Cho nên Mẹ chỉ theo
Cậu đi học được mấy năm, rồi đi lấy chồng. Vậy mà bây giờ, 90 tuổi, Mẹ
vẫn còn nhớ được năm ba tiếng Tây. Có những lúc ngồi kể chuyện đời xưa,
lòng Mẹ dịu lại và ánh mắt Mẹ thật vui, Mẹ nói: “la table cái bàn, le banc
cái ghế, le riz hột lúa.” Rồi Mẹ nở nụ cười, lộ hai cái lợi trơn lu, và mái tóc,
bạc trắng như vôi.
Ngày về làm dâu cho Nội, Dì Hai, Dì Ba đưa mẹ lên đường. Hành trang
của Mẹ chỉ có cái va ly nhỏ, đựng năm ba bộ quần áo, cái gương, cái lược,
và một nừng nước mắt. Mẹ kể lại. Thế là Mẹ về làm dâu ở Núi Ðồi.
Những năm tháng sống nhà Ngoại, Mẹ được cưng chiều nên dường như
không biết công chuyện đồng án là gì. Công việc của Mẹ chỉ lo cơm nước
trong nhà, xách nước cho thợ, và cầm cây gậy theo Ngoại ra đồng. Ngoại
bảo Mẹ ngồi canh chừng cái trúm cá bên bờ mương, lâu lâu cá chun vào
trúm thì bắt bỏ vào đụt. Một hồi lâu Ngoại trở lại, hỏi được bao nhiêu cá.
Ngoại dở trúm lên không thấy con cá nào hết! Ngoại bực mình. Thì ra Mẹ
ngồi bên bờ mương, thọt gậy xuống nước quậy chơi, cá thấy sợ nên không
con nào chun vào trúm. Mà Mẹ ghét nhất là làm cá. Và mãi sau này cũng
vậy, Mẹ ghét làm cá. Cũng vì vậy mà ngày về làm dâu cho Nội, Mẹ lụm
thụm nên hay bị Nội la. Có hôm Mẹ không làm vừa lòng Nội, Nội nặng lời
với Mẹ. Mẹ bị đòn một trận nên Mẹ buồn, nằm vạ và nhịn ăn luôn mấy
ngày. Rồi Cha phải năng nĩ Mẹ mới chịu ăn. Mấy ngày sau Mẹ đòi Cha dẫn
Mẹ về trên Ngoại, Cha không dám dẫn Mẹ đi, nhưng rồi Mẹ cũng đi. Ngoại
nhìn đôi bàn tay của Mẹ sần sùi, và người gầy ốm nhiều, Ngoại thương cho