Đó là chuyện bác Tom đáng thương. Bác đang kiểm tra máy vì Charlie
không khỏe lắm, lúc bước qua trục chèo ống quần của bác bị vướng. Chân
bác bị nghiến đứt trước khi mọi người kịp hành động. Chúng tôi chở bác tới
Bourke, nhưng vừa tới bệnh viện là bác đã chết.
Đấy, bác luôn luôn sợ phải chết ở Nhà Dưỡng lão nơi người ta không
cho uống rượu và chửi thề. Dù sao thì bây giờ bác khỏi phải vào đó nữa”.
Delie nhảy mấy dòng và đọc tiếp: “Như thế bây giờ cô là chủ nửa chiếc
tàu”. Dường như bác Tom lúc nào cũng muốn nhường chiếc Philadelphia
cho cô, và bác cũng đã đủ sáng suốt để ký cách đây rất lâu nhượng cho cô
phần hùn của bác. Brenton Edwards lên làm thuyền trưởng vì anh ta có giấy
của bác Tom. Năm nay, có thể tàu sẽ dỡ dàng ở Swan Hill.
Trước khi hiểu đúng nghĩa lời lẽ của bức thơ. Delie cũng ghi nhận một
hai chỗ sai chánh tả, một sự lỏng lẻo về ngữ pháp. Nhưng đây là một bức
thư tốt, tỏ bày nhiều tình cảm hơn cô chờ đợi ở anh.
Thế là ý nghĩa của bức thư tràn ngập cô. Chiếc Philadelphia là của cô,
dù sao phân nửa là của cô. Và bác Tom - bác Tom thân thương, tử tế, cục
mịch, rộng rãi - không còn nữa.
Delie ngồi lặng trong phòng làm việc bé nhỏ và cô cảm thấy một giọt
nước mắt chậm rãi, nóng hổi rơi xuống bàn tay đang cầm bức thư. Bác Tom
thân thiết, bác đã thoát được biển, rồi lại chết như thế. Cô sờ soạng tìm
chiếc khăn mùi soa.
Hôm sau ông Charles đến thăm cô, cô đứng bật dậy, nóng lòng muốn
nói với ông cái tin quan trọng mới nhận được là tiền vốn năm mươi bảng
mà ông luôn luôn nghi ngại đã được hoàn lại gấp mười lần.
Trên gương mặt của ông có một vẻ gì đó, khiến cô nóng lòng hỏi:
- Có gì không dượng? Bệnh dì Hester nặng thêm à?