Delie định sẽ thuật lại chuyện đó cho Cyrus James nghe lúc tàu đến
Blanchetown. Cô hoàn toàn thất vọng vì ông ấy đã đi Adelaide được mấy
ngày. Các kiện len đã được bảo hiểm, Alastair Reaburn không lo ngại bị
mất của, trái lại ông ta lại thích thú khi nghe chuyện kiện hàng thứ ba bị hư
đã được sử dụng ra sao, ông ta nghiêng mình khen ngợi cô ứng xử nhanh,
ông ta không thể biết cô đã đọc trong quyển “Đời sống trên sông
Mississippi” đã tả một tai nạn tương tự.
Cô không tỏ cho ông ta biết là lời khen của ông ta đã làm mát lòng mát
dạ cô biết bao! Tại sao cô lại quan tâm đến ý kiến của ông ta đến thế? Cô
không cảm thấy ở ông ta vẻ quyến rũ, ngoài sự mẫn cảm và cái tính chất
thép nguội dưới cái dáng thị thành của ông ta.
Sau khi họ đã ký kết xong giấy tờ, cô nhận tiền và mời ông ta lên tàu để
dùng một cốc vang tại phòng khách, ý muốn cho ông ta xem lại bức tranh.
Tuy nhiên ông ta lại mời cô vào nơi ăn ở của ông ta phía sau kho len.
Họ bước qua một cánh cửa nặng, đi vào một thế giới khác hẳn. Đấy là văn
phòng của một người sành nghệ thuật, một điều hiếm có ở cái bến cảng thô
lậu này. Delie đi ngay đến bức tranh duy nhất treo ở trong phòng, và cô nhìn
thật kỹ. Tranh không có chữ ký, đã cũ, nằm khuất trong một góc. Đấy là
bức chân dung của một người trẻ tuổi trong bộ quần áo xưa đã trăm năm.
- Để xem nào, đây là một trong những họa sĩ Ê-cốt của thế kỷ trước, tên
Reaburn phải không? Ồ không, không thể thế được… Chính là Reaburn!
Nhưng thế là tên họ ông à?
Cô quay lại, sự xúc động làm gương mặt cô nom tươi trẻ, cô thấy đôi
mắt sẫm màu, long lanh của Reaburn nhìn chăm chú vào cô. Ông ta nói:
- Cô là người của hội họa. Chính cô đã vẽ bức tranh có cái vách đá kỳ lạ
đó à?