Nếu tảng đá đó mà nằm dưới đất, chưa chắc 5,3 chục người lực lưỡng
xê dịch nổi. Vậy thì sao nó nằm được ở giữa cháng ba cây dầu. Theo truyền
thuyết của những người địa phương thì sự việc ấy nằm trong huyền thoại
nầy :
Ngày xưa, có một vị thần vô cùng to lớn, mà người ta gọi là ông
Khổng Lồ.
Ông Khổng Lồ có người vợ trẻ, mà nàng ít khi nghe lời ông. Ông
thường dặn vợ, nếu ông đi vắng thì ở lại động trên núi chờ ông chớ đừng đi
đâu cả.
Nhưng trưa nay ông đi vắng và lúc trở về thì bà vợ không có ở núi
Điện, có lẽ đi hái hoa quả ở đâu đó.
Ông mới bước đi tìm vợ, một chân ông đứng ở núi Điện Bà, một chân
ông bước qua bên núi Cậu. Vì ông giận bà, ông giậm chân hơi mạnh nên
chân lún xuống đá, để dấu chân lại như ta thấy hiện nay.
Miệng ông kêu vợ, nhưng chưa nghe vợ trả lời, lúc đó lại có con quạ
bay ngang kêu quạ quạ, ông hỏi con quạ rằng :
« Vợ tao đi ở nơi nào ?
Nếu mi có biết mau mau chỉ dùm ».
Quạ ta đã không chỉ, mà vừa bay đi vừa trả lời :
« Đàn bà lắm kẻ gian ngoa
Vợ mi mi giữ hỏi ta làm gì ? ».
Đang bực mình, nghe quạ đáp vô lễ như vậy, ông Khổng Lồ giận con
quạ lắm, liền với lượm một tảng đá vừa tầm tay (nặng độ 1 tấn) liệng con
quạ, nhưng quạ khôn ngoan bay bổng lên cao. Đá không trúng quạ mà lại
rơi vào cháng ba « cây dầu cổ thụ » và nằm gọn ở đó cả mấy thế kỷ rồi, đá
dính trên cây càng ngày càng lớn.
Chúng tôi ghi lại huyền thoại này cống hiến bạn đọc, nhất là ở vùng
rừng núi xa xôi. Chúng tôi cũng không tin là chuyện có thật.