Đạo binh thường xuất hiện vào đêm. Vị chỉ huy, oai phong lẫm liệt,
lưng giắt gươm trần, lính thì đội nón gỗ hàng ngũ chỉnh tề, bước đi ăn rập
nhịp nhàng, đèn đuốc sáng choang, tiếng reo hò vang dội.
Theo truyền thuyết, người ta cho đó là đạo âm binh của cố tri phủ
Huỳnh Công Giản kháng Miên ở cánh đồng Trà Vông, mà lúc bấy giờ nhân
dân gọi là Quan Lớn Trà Vông.
Trên núi nầy có miễu thờ Quan Lớn Trà Vông, đồng bào trong vùng
rất tin tưởng và kính sợ oai linh của ngài.
Từ xưa tới nay, những vị anh hùng trung quân ái quốc, sanh vi tướng,
tử vi thần và các chiến sĩ tận trung hy sinh cho Tổ Quốc, lúc thác rồi hồn
vẫn linh thiêng.
Các truyền thuyết như vậy, chẳng riêng gì nước Việt Nam ta, mà ở cả
khắp thế giới đều có.
Chúng tôi có đọc quyển sách viết thuật lại viên thuyền trưởng trên
thương thuyền đang lướt sóng thẳng đường, bỗng thấy phía trước có một
chiếc tàu binh, hình thức là loại tàu cổ. Trên chiến thuyền có vị chỉ huy và
thủy thủ đang hoạt động.
Thương thuyền đang lo tránh né sợ tàu va chạm nhau, nhưng rồi trong
vài tiếng đồng hồ, tàu kia mất dạng, biển cả bao la, mà nhìn chẳng thấy đâu
cả.
Trở lại vấn đề đạo binh vô hình ở núi Cậu Tây Ninh, việc xuất hiện
của đạo binh làm cho dân chúng trong lúc ấy rất tin tưởng oai linh của vị
anh hùng trung quân ái quốc, chống giặc Miên để giữ gìn bờ cõi nước nhà.
Từ sau năm 1945, dân chúng vùng núi Cậu tản cư đi rất nhiều và từ
đó, người ta không còn thấy đạo binh xuất hiện nữa.
DẤU CHÂN ÔNG KHỔNG LỒ TRÊN NÚI VÀ TẢNG ĐÁ NĂM
TRÊN NGỌN CÂY DẦU TRẠI BÍ