Trên tinh thần vô tư, chúng tôi xin thuật câu chuyện trên đây như một
giai thoại, để hiến quý bạn đọc hiểu thêm vấn đề non nước Tây Ninh.
THIÊN TAI THẢM KHỔ NÚI LỞ, NƯỚC LỤT VÀO NĂM NHÂM
THÌN 1952
Tai trời ách nước không nơi nào là chẳng có. Hãi hùng nhất là những
trận bão lụt to. Riêng miền Nam Việt Nam, hẳn đồng bào không ai quên
trận bão lụt lớn ở Gò Công trong năm Giáp Thìn 1904 cách nay trên nửa
thế kỷ. Gia súc chết vô số kể, về nhân mạng một đêm chết năm ngàn người.
Từ đó đến nay trận bão lụt này lớn hơn hết.
Thế mà tỉnh Tây Ninh cũng đã từng chịu một nạn lụt to, chẳng kém
phần khủng khiếp, và cũng xảy ra trong năm Thìn.
Năm ấy, Nhâm Thìn 1952, vào ngày 3 tháng 9 dương lịch, trong tỉnh
Tây Ninh bị mưa to gió lớn, giông gió ì ầm, sấm chớp vang rền. Mưa tuôn
như thác lũ, đến nỗi trên núi Điện Bà bị lở một đường dài từ trên đến dưới
chân núi.
Từ phía bờ rạch nước tràn vô phủ. Trong chốc lát đất bằng lênh láng
nước trông như sông rộng biển khơi. Nói như thế, để chúng ta ước lượng
quang cảnh hãi hùng đến thế nào và hình dung những thảm trạng mà đồng
bào Tây Ninh đã phải chịu.
Châu thành Tây Ninh bị ngập lụt nặng nhất là vùng Xóm Chài, dọc
theo bờ rạch Tây Ninh, sau trường học. Lúc ấy nhà tranh vách ván, vách
đất đều cuốn theo dòng nước trôi lểnh nghểnh.
Nước ngập tới đâu, đồng bào đánh mõ la làng inh ỏi, leo lên cây lánh
nạn. Ngoài chợ Tây Ninh, phố xá ngập hết. Hàng quán, tiệm buôn đều đóng
cửa. Các tiệm trữ bán xi-măng, hàng trăm bao đều bị ngấm nước đóng
thành cục, hư hại cả. Tiệm làm tương của người Trung Hoa bị nước ngập,
thiệt hại hàng mấy trăm khạp tương.