chúng tôi cũng gom góp ít nhiều bức ảnh để thâu nhận tình trạng về nạn lụt
Tây Ninh thuở nọ, để chúng ta cùng lưu giữ trong tâm khảm niềm xót xa
chung chịu khi tai trời ách nước xảy ra. Những bức ảnh là chứng tích ghi
nhận dễ khiến chúng ta cảm thông hơn cả. Để rồi trong hoàn cảnh nào,
trước bất cứ tai ách nào, mà đồng bào phải chung chia sớt khổ đau, chúng
ta sẵn sàng nghe lòng giục thúc :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Chúng tôi xin nói thêm, những bức ảnh sưu tập do nhà nhiếp ảnh Việt
Anh thân tặng. Xin ghi rõ nơi đây, để tỏ lòng tri ân những tấm lòng cao quý
đã giúp đỡ chúng tôi khi biên soạn quyển sách này.
CÂU CHUYỆN BUÔN NGỰA VÀ THUẬT BẮT CÁ NGỰA TRÊN
ĐẤT MIÊN
Một câu chuyện buôn ngựa lậu xảy ra dưới thời Pháp thuộc trên trục
giao thông này đã thành một giai thoại cho đồng bào biên giới và Việt kiều
nhắc nhở trong lúc tửu hậu trà dư. Nguyên hai ông giáo Việt kiều xin từ
chức về quê ở Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ xoay nghề thương mãi. Hai ông
hùn vốn, đến tỉnh Prey-veng mua ngựa đem về bán cho giới mã xa. Dạo ấy,
1943, chánh phủ bảo hộ cấm « xuất cảng » thú vật ra ngoại quốc, nên hai
ông phải dắt món hàng len lỏi trong rừng vượt tuyến ! Tổng số ngựa là 5
con, trong ấy có một con ngựa đua què chân. Hai ông giáo thuê một người
Miên biết đường đi tắt về Gò Dầu Hạ. Đoàn người xuất hành từ chập tối,
len lỏi trong rừng, trên đồng ruộng xa quận, xã để tránh nhà chức trách.
Ông giáo Trảng Bàng mặc quần áo kaki vàng, giả làm quan nhà binh, ông
giáo Gò Dầu Hạ giả làm thầy thông ngôn mặc quần áo vắn, đội nón rộng
vành. Khi gặp một ít người Miên, thầy thông ngôn đứng nghiêm chào ông
quan, nói tiếng Pháp lăng nhăng cho ra vẻ người của nhà nước đi công tác.
Ông giáo ở Gò Dầu Hạ ốm nhỏ người thấy thấy con ngựa đua lưng mập
tròn thì xí phần trước, nhất định giành cưỡi cho khỏe chân vì phải đi suốt