Nhìn lên nữa, kia là chùa Long Châu, cảnh trí xinh lịch. Du khách men
chân đến chùa, để qua viếng động Thanh Long ở phía mặt trời mọc, ngày
xưa vốn do nhà sư Giác Đàng khai phá trồng thanh long tại đó. Cảnh vật
cũng nên thơ.
Thưởng lãm phong cảnh ở phía mặt và trái rồi du khách nên đi vòng
sau điện mà xem thêm hang Gió và giếng ông Địa. Đoạn đi thẳng lên, lần
lượt gặp các động ông Tà, động ông Hổ, động Ba Xuyên.
Dạo bước từ từ mải mê phong cảnh mà đặt chân lên tới đỉnh tự bao
giờ chẳng hay chẳng biết. Thích ý phỉ lòng, đứng lên đỉnh nhìn thẳng tắp xa
xa, ôi mầu nhiệm, cảnh đẹp bao la hùng vĩ giăng giăng tận chân trời thăm
thẳm.
Hướng về đông, thấy ngọn núi Cậu bên tỉnh Bình Dương (thuộc Dầu
Tiếng) hiện ra lờ mờ như một bức tranh thủy mạc. Hướng về đông bắc, có
thêm hai hòn núi nhỏ ngạo nghễ gội gió dầm mưa chẳng quản gì.
Những ngày lễ, rằm, rất đông du khách và phật tử bốn phương tấp nập
về đây chiêm bái, đồng thời thưởng thức cảnh hùng vĩ của non linh.
Bồi hồi luyến cảnh, du khách nao nao lòng cảm cựu, chẳng khỏi nhớ
lại sau núi Điện Bà ngày xưa vẫn từng có những cội bạch mai khoe tiết
băng trinh, cốt cách tinh thần như tiên nữ giáng trần. Rồi bất giác khe khẽ
ngâm bài thơ vịnh cảnh « Bạch mai núi Điện Bà » của nữ sĩ Sương Nguyệt
Anh, ái nữ cụ Đồ Chiểu thuở xưa :
Non linh đất phước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân.
Chỉ rút nội bốn câu ấy thôi, đủ cả non nước muôn thuở sống mãi trong
tâm tưởng những người con đất Việt đã, đang và sẽ đến viếng cảnh Tây
Ninh với núi Điện Bà có hoa bạch mai khét tiếng một thời và dư âm sẽ
chẳng bao giờ dứt.