nhiệm vụ. Một vị là tri phủ Huỳnh Công Giản, tục gọi là quan lớn Trà
Vông, ông Huỳnh Công Nghệ, ông Huỳnh Công Thắng và hai vị nữa không
rõ tên.
Sau khi nỗ lực vãn hồi an ninh, mưu phúc lợi cho dân chúng xong,
một trong hai vị quan triều khuyết danh ấy, không muốn thấy cảnh chém
giết nữa, chán bã lợi danh, bèn xin tu sĩ ở Cẩm Giang thôn đốn cây rừng,
dọn phá một khoảnh đất nhỏ sát bờ sông Vàm Cỏ Đông cất một cái am lá
nhỏ để tu hành, sớm mõ chiều chuông, vui thú cảnh thiên nhiên. Dân chúng
địa phương nghe danh vị quan tu hành như vậy, hết lòng mến mộ.
Trước ngôi chùa nhỏ của ngài, nêu rõ ba chữ Hán « Cẩm Phong tự ».
Nhưng vì đồng bào địa phương tôn kính sùng mộ một vị quan triều ở ngoài
Huế vào có đạo đức, chân tu, nên cùng nhau gọi tặng là chùa Quan Huế.
Lâu ngày, tên « chùa Quan Huế » thành danh, lưu truyền để tiếng cho ngôi
chùa Cẩm Giang cổ tự.
Quyền cao lộc cả mà chẳng tưởng màng, chay lạt nâu sồng lại riêng
vui thích, đạo hạnh của các vị quan triều người miền Trung kia, thật xứng
đáng với lòng ngưỡng mộ của đồng bào kêu gọi « chùa Quan Huế », mộc
mạc mà biết bao ý vị đáng ghi đáng mến.
Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Lạc, lại ân cần kể thêm cho chúng tôi
biết những điều cảm khái.
Ngày xưa, mỗi đêm cọp thường vào trước sân chùa uống nước đựng
sẵn trong lu. Một hôm, nước đã cạn, các chú tiểu quên xách nước đổ vào.
Cọp quen đến, thấy lu trống, gầm vang như có vẻ tức giận trách cứ, rồi hai
chân ôm đập bể cái lu, nhưng tuyệt nhiên không làm hại đến những người
trong chùa.
Lại một chuyện khác : mé trước chùa, dựa bờ sông có một cặp rắn to
có mồng, thường bữa cất tiếng gáy ghê rợn vào lúc bình minh và lúc hoàng
hôn. Mà tuyệt nhiên cặp rắn cũng không phá hại gì trong vùng. Sau này cây
đa bị lở xuống sông, cặp rắc cũng biến mất.