Đó là những ngôi chùa xưa được đồng bào phật tử hằng lui tới chiêm
bái, cúng dường. Lần lượt chúng tôi sẽ trình bày rõ từng ngôi Tam Bảo có
tiếng.
Chúng tôi hằng lưu tâm tìm hiểu những di tích lịch sử nước non nhà,
để làm sống lại những nơi cổ kính trang nghiêm.
Trên đường viếng cảnh Tây Ninh, chúng tôi ghé qua ngôi Cẩm Phong
tự tức chùa Quan Huế, chùa này nằm sát bên quốc lộ 22, phía trước mặt
chùa là sông Vàm Cỏ Đông nước chảy lờ đờ, phía bên kia bờ sông là đồng
ruộng bao la bát ngát. Thật là một cảnh nên thơ trầm lặng, đúng là nơi gửi
thân của các bậc chân tu, chay lạt nâu sồng.
Cạnh hông chùa, cách đó 100 mét, ngày xưa là ụ Bến Thuyền của các
quan đàng cựu. Ghe ô ghe lê thường đậu tại đó, nay người ta đã lấp để lập
vườn trồng cây trái.
Hôm ấy, vào chiêm bái chùa Cẩm Phong, chúng tôi được vị trụ trì tại
đây là hòa thượng Thích Thiện Lạc tiếp đãi ân cần. Chúng tôi kính cẩn
bạch :
- Bạch hòa thượng, sự tích ngôi chùa này ra sao ? Ngưỡng mong hòa
thượng trần thuật cho chúng tôi được rõ, ngỏ hầu ghi chép lại cho mọi
người cùng biết.
Hòa thượng Thích Thiện Lạc năm nay (1972) đã 56 tuổi, trầm giọng
thuật sự tích ngôi Cẩm Phong cổ tự :
- Thuở xưa, vùng đất này thuộc Nam triều, ở về địa phận phủ Tân
Ninh, tổng Hàm Ninh Thuận, thôn Câm Giàng, quận Phú Khương. Khi ấy
đất đai hãy còn hoang vu, rừng cấm dày đặc, có nhiều thú dữ. Đường sá
chưa được khai thông, lối đi vất vả. Phần nạn giặc Miên ở biên giới xuống
cướp bóc quấy nhiễu, đồng bào dân chúng hết sức lầm than khổ sở. Quan
địa phương dâng sớ về triều, tâu rõ tình hình.
Triều đình cử năm vị quan đàng cựu vào Tây Ninh lo vãn hồi an ninh
cho dân chúng. Năm vị quan triều phụng mạng vào Tây Ninh đảm đang