khỏi chợ Gò Dầu Hạ 10 cây số ! Bên đất Miên thuộc xã Bavet, quận Svay
Riêng.
Đúng theo luật quốc tế thì hai trạm kiểm soát phải cách nhau 1 cây số.
Khoảng đất trống này là vùng trái độn. Ngay sau khi được độc lập, hai quốc
gia Việt Miên giữ đúng quy luật ấy. Du khách đến trạm này rồi phải đi
1.000 thước mới đến trạm kia. Giữa khúc đường ấy không có nhà cửa gì cả.
Chính nơi đó là chỗ xuất phát của chợ trời biên giới. Dân buôn bán hai
nước họp nhau trên lề đường, trao đổi hàng hóa ; tuy nhiên có nhiều người
lại đi thẳng qua khỏi cổng vào hẳn đất Miên và quây quần trước trạm kiểm
soát tạo thành một loại chợ trời lộ thiên chồm hổm.
Đầu năm 1956, tại trạm kiểm soát Cao Miên có lịnh bắt buộc phụ nữ
Việt Nam sang buôn bán phải mặt chăn như người Miên ; người nào không
tuân lịnh bị đuổi về. Lịnh này nghe đâu đã được áp dụng ở các xã Prasath,
Bavet, Mesothngot, phụ nữ Việt Kiều không được mặc quần nữa ! Các bà,
các cô phải sắm cái chăn bằng hàng để xếp bỏ trong thúng, khi sắp qua
cổng thì vo hai ống quần lên đầu gối, mặc chăn vào. Buôn bán xong, đi
khỏi cổng một khoảng, cởi chăn ra, bỏ ống quần xuống về đất Việt. Mấy bà
miền Bắc mới di cư không biết vo quần như phụ nữ miền Nam hoặc không
thể vừa mặc chăn vừa mặc quần phải núp dưới bờ ruộng cởi quần ra mặc
chăn vào. Và khi trở về cũng vậy.
Một thông tín viên báo chí ở Nam Vang nghe tin, đến tận nơi chụp
ảnh, lấy đủ tài liệu đánh điện về cơ quan Thông Tấn và 3 tờ báo ở Sài Gòn.
Bộ Thông Tin Cao Miên bèn gởi công văn hỏi ông tỉnh trưởng Svay Riêng
có ra lịnh ấy không ; cố nhiên ông tỉnh trưởng trả lời rằng không ! Bộ này
căn cứ vào giấy mực, đề nghị trục xuất kẻ loan tin thất thiệt ! Nhà ký giả
bèn trình bằng cớ xác thực, được ông bộ trưởng cho mở cuộc điều tra và
biết rằng viên Trạm trưởng trạm kiểm soát tự ý ra lịnh như thế, bèn lập tức
hủy bỏ. Phụ nữ chưa hay tin mặc chăn vào đất Miên bị đuổi về, người nào
mặc quần thì được ! Tuy vậy, anh chàng viết báo vẫn bị bắt vào chuồng rệp
3 ngày và trục xuất về Sài Gòn.