Chúng ta đã do theo truyền thuyết mà kể sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu
như trên. Nhưng hãy còn một truyền thuyết khác nữa, tưởng chúng ta cũng
nên biết qua để suy gẫm.
Tương truyền : Thuở Tây Ninh còn là phần đất có nhiều người Miên
cư trú, tại vùng núi Tây Ninh có một viên quan trấn địa phương người Miên
sinh hạ được hai người con, một trai tuấn tú và một gái hiền thục gọi là
nàng Đênh.
Nàng Đênh tuổi độ 13, thì có vị sư người Tàu từ Bến Cát (Thủ Dầu
Một) đến núi Tây Ninh tìm chùa làm nơi hoằng dương Phật pháp.
Khi đến công đường của Quan Trấn, nhà sư hỏi thăm về việc truyền bá
đạo Phật trong vùng, và dò kiếm nơi trụ trì để hành đạo. Quan thủ mời nhà
sư tạm nghỉ nhà mình để ông thừa dịp học đạo. Nhà sư vui vẻ nhận lời, từ
đó bắt đầu truyền bá giáo lý đạo Phật trong gia đình Quan Trấn và cơ vệ
đội.
Tuy trẻ tuổi nhưng sớm có căn tu, nàng Đênh miệt mài nghe nhà sư
giảng đạo. Quan Trấn là người mộ đạo, nên sau đó đã thiết lập cho nhà sư
một cảnh chùa, nay còn di tích gọi là chùa ông Tàu, nằm về phía Đông
chân núi, phía làng Phước Hội lên, chưa được kiến thiết lại.
Thời gian trôi qua mau, nghĩ lại xa cách thiện nam tín nữ Bến Cát đã
lâu, nhà sư bèn tạm biệt Quan Trấn để trở về thăm cảnh cũ người xưa.
Từ ngày sư ông vắng bóng, nàng Đênh vẫn một lòng sùng kính Phật
đạo, luôn luôn lo việc công quả cho chùa.
Vốn con nhà trâm anh, tuổi đào tơ sen ngó, nên nhan sắc nàng Đênh
xinh lịch, được xa gần nghe tiếng.
Quan Trấn địa phương Trảng Bàng, cơ sở tại sông Đua Bà Thánh,
thuộc làng Lộc Hưng nay còn di tích, mới cậy mai đến nói với song thân
nàng Đênh, xin cho sánh duyên cùng trưởng nam của ông. Thân sinh nàng
Đênh chấp thuận vì xét thấy gia thế đôi bên rất tương xứng, nên hứa lời với
đàng trai sẽ cho chọn ngày lành đưa sính lễ sang.