Sau ngày vua Gia Long gom đất nước về một mối, lập triều đại nhà
Nguyễn, xứ Cam Bốt thần phục Việt Nam, hằng năm đều chấp thuận cuộc
dâng nộp lễ vật cho triều đình Việt, để kết mối bang giao thân thiện.
Các sứ thần Miên mỗi năm mang lễ vật qua cống hiến Nam triều,
muốn ra Huế phải qua địa phận Tây Ninh, và đường quan cũ về sau được
sửa sang biến đổi thành con đường Tỉnh lộ 13 và con lộ Xóm Vịnh. Vì lẽ
đó, con đường này hãy còn được gọi là « Đường Cống Sứ » hoặc « Đường
Sứ ». Ấy là con đường đánh dấu một giai đoạn vinh quang của nòi Việt.
Điều nên biết thêm, ngày xưa còn có một con đường từ đất Gia Định
Hốc Môn, Ngả Ba Thằng Tây, Tân Phú Trung lên thẳng xuyên qua quận
Cửu Chi ngày nay, cách hướng đông quận lỵ thẳng tới làng Trung Lập,
trảng Lông Công, đến địa phận tỉnh Tây Ninh qua ngã tư Bầu Đồn ngang
Cầu Khởi, lên trước toà thánh Tây Ninh vào tỉnh lỵ, dài gần 100km. Con
đường này dành riêng cho quân đội Nam triều sử dụng, vận tải lương thực,
giao liên tiếp tế giữa quân dân chính, để kiện toàn nền bình trị, đem lại an
ninh và mưu phúc lợi cho toàn dân miền Nam. Đó cũng là con đường huyết
mạch của dân tộc, mỗi khi phải đương đầu với giặc Miên, Chàm hay bất cứ
cuộc xâm lăng nào, khi quân đội do đó xuất phát, tiếp viện nhanh chóng,
hầu đoạt lấy thắng lợi.
Bởi con đường quan hệ, có sứ mạng kiên trì bảo vệ cho dân miền
Nam, nên đương thời cũng gọi tên riêng về con đường ấy là « Đường Sứ »
(mỗi nơi dọc theo đường sứ có trạm thay đổi ngựa cho khoẻ rồi mới đi).
Danh từ đường sứ, nói lên tinh thần hào hùng bất khuất và nổi bật uy
danh của một dân tộc đã từng khiến các lân bang phải thần phục.
Thử tưởng tượng quang cảnh rộn rịp của đoàn quân xuất phát phân
phối lực lượng bảo vệ cho toàn vùng biên giới Tây Ninh năm xưa và hãy
thử tưởng tượng quang cảnh tấp nập của các sứ thần Miên và đoàn tuỳ tùng
rần rộ đi trên Đường Sứ để về triều cống nước Việt.
Tây Ninh huyền diệu với núi Điện Bà và toà thánh làm điển hình, mà
Tây Ninh cũng hãnh diện với con Đường Sứ thuở nào.