tử Duy Vỹ rồi bị vua Hiển Tông đuổi ra, Cầu bèn chạy sang phủ chúa mách
với Trịnh Sâm. Sâm nổi giận nói:
- Duy Vỹ thật to gan, dám toan trở mặt làm phản, ta quyết giết chết không
tha. Ta nhớ lúc còn là Thế tử có lần ta và Phụ vương sang phủ vua. Ta thấy
Phụ vương ta ngồi ngang hàng với vua Hiển Tông, cũng bèn ngồi vào bàn
với Duy Vỹ, lúc ấy Duy Vỹ hãy còn bé buột miệng nói rằng: Làm tôi sao
lại dám ngồi cùng với vua, nói xong đứng lên bỏ đi. Từ ấy đến nay ta vẫn
muốn giết chết Duy Vỹ mới hả giận mà không có cớ gì. Nay là tự tìm lấy
cái chết mà thôi!
Nói xong Sâm hỏi Ngô Cầu:
- Nếu ta bắt tội Duy Vỹ, ngươi có dám đối chất chăng?
Cầu đáp:
- Hạ thần chịu ơn Chúa thượng không lấy chi trả được, Chúa thượng bảo
nhảy vào lửa nào dám không vâng!
Sâm mừng rỡ nói:
- Xong việc này ta nhất định thăng thưởng cho ngươi.
Ngô Cầu hớn hở bái tạ ra về. Ra ngoài phủ chúa, Cầu gặp quan thị lang là
Vũ Trần Thiệu. Thiệu vốn biết Cầu là kẻ tham lam, vô đạo, bất trung, bạo
ngược. Nay thấy mặt Cầu nửa vui lại nửa lo, Thiệu sinh nghi thầm nghĩ
rằng: Phạm Ngô Cầu đang làm nội thị trong cung vua, nay bỗng dưng lại
sang phủ chúa, ắt là ton hót việc gì hại vua đây, ta phải hỏi cho ra lẽ mới
được! Nghĩ rồi gọi Ngô Cầu hỏi:
- Xin chào quan nội thị. Chẳng hay ngài có mạnh khoẻ chăng? Đi đâu mà
vội vàng thế?
Cầu lên giọng đáp:
- Hoàng thượng sai ta sang phủ chúa có việc. Xong việc ta lại về điện vua.
Còn ngài đi đâu đó?
Thiệu biết Cầu rất ham mê bói toán liền nói gạt:
- Tôi nghe có một vị đạo sĩ gieo quẻ rất hay, định mời về tệ xá xem cho
đường hoạn lộ ấy mà!
Cầu liền nói:
- Xin ngài cho tôi xem với!