chớ đem lòng đạo tặc mà có ngày chuốc vạ vào thân.
Tha bọn cướp xong, Bùi ông mời lão Ngô vào nhà hỏi.
- Cụ tài đức vẹn toàn mà phải tha phương cầu thực ắt là có uẩn khúc chi
đây? Nếu không nghi ngại có thể bày tỏ cho vơi nỗi lòng được chăng?
Ngô Mãnh đáp:
- Giờ này chẳng dám giấu ân nhân. Tôi tên Ngô Mãnh làm Đô thống ở
thành Phú Xuân bị Quốc phó Trương Phúc Loan làm hại nên trốn vào đây,
gặp ân nhân ra tay tế độ lòng rất áy náy bấy lâu không biết lấy chi đền đáp.
Nói xong quỳ lạy Bùi ông. Bùi ông đỡ dậy nói:
- Làm việc nghĩa ai lại nghĩ đến chuyện trả ơn. Nhưng nếu cụ muốn trả ơn
cũng chẳng khó gì. Tôi có một con gái tên là Bùi Thị Xuân, tính ưa theo đòi
cung kiếm, phiền cụ chỉ dạy cho cháu phòng khi hữu sự.
Nói xong gọi con ra bái Ngô Mãnh làm thầy, Ngô Mãnh thấy Bùi Thị Xuân
mày tằm mắt phượng, môi nhỏ má hồng, dáng vẻ thanh tao mà thần sắc oai
phong trong bụng rất mừng.
Từ ấy ông ngày đêm ra sức dạy võ nghệ binh thư cho Ngô Văn Sở, Phan
Văn Lân và Bùi Thị Xuân. Ngày qua tháng lại thấm thoát năm năm Xuân
cùng Lân, Sở ba người đều võ nghệ siêu quần, tài trí hơn người, tiếng lành
đồn khắp gần xa.
*
* *
Trong khi Ngô Mãnh thoát chết trốn vào phủ Quy Nhơn tá túc nhà Bùi ông
ở ấp Tây Sơn thì Trương Văn Hạnh bị giam vào ngục, Phúc Loan lại cho
quân vây nhà Văn Hạnh bắt hết gia quyến, người tùy tướng là Trương Văn
Hiến đơn thương độc mã đột phá trùng vậy chạy thoát khỏi thành Phú Xuân
nhắm hướng Nam mà chạy.
Lần hồi đến Quy Nhơn phủ thấy núi non hung vĩ cỏ cây sầm uất, Hiến nghĩ
thầm:
- Nơi đây là thành Đồ Bàn cũ của vua Chiêm, sau lưng dựa vào núi non
hiểm trở, trước mặt trông ra biển lớn, trong ngoài đều có đèo cao án ngữ,
thật là đất dụng võ. Thảo nào ngày xưa vua Chiêm là Chế Bồng Nga lập
kinh đô ở đất này đã làm nên võ công hiển hách. Địa linh ắt sinh nhân kiệt.