Ngờ đâu Tiên chúa mất, ấu chúa lên kế vị để Phúc Loan bạo ác tham tàn
tăng thêm sưu thuế xây dựng cung điện Phấn Dương, bắt muôn dân phục
dịch thật là thống khổ. Vì vậy người nghèo trốn thuế theo tôi mỗi lúc một
đông, đến nỗi tôi không thể cung cấp đủ lương thực cho họ. Thầy Trương
Văn Hiến bày kế cho tôi xin làm Biện lại Vân Đồn lấy tiền thuế trong ba
tháng rồi bỏ chức, đem bạc về nuôi quân. Mới vài hôm trước đây, chỉ trong
một ngày tôi chiêu mộ được ngàn quân là do kế của thầy Trương Văn Hiến
cả. Thầy Trương Văn Hiến có công giáo huấn hai em tôi là Huệ và Lữ. Tôi
dù không có thời gian theo hầu thầy dưới án nhưng lòng vẫn tôn kính như
sư phụ. Nay lấy lý vì nghĩa chung không nên xưng hô theo tình riêng, thì
xin hỏi các vị, Nhạc phải gọi thầy như thế nào cho danh chánh ngôn thuận
đây?
Nguyễn Thung bước ra nói:
- Việc ấy theo tôi không có chỉ là khó. Có một cách xưng hô mà xét theo
tình riêng hay nghĩa chung đều thuận cả.
Nhạc hỏi:
- Theo ý tiên sinh thì nên gọi thế nào?
Thung cười rằng:
- Từ hai tay trắng bày kế nuôi nổi ngàn quân, trong một ngày đêm mộ được
ngàn quân. Mưu hay xưa nay hiếm có như thế, sao chủ tướng không gọi là
quân sư, thì công tư vẹn cả đôi bề.
Các tướng cùng vỗ tay khen:
- Nguyễn Thung tiên sinh thật là cao kiến, ta nay vì dân dấy nghĩa ắt phải
có quân sư.
Nhạc rót rượu mời Hiến:
- Các vị hãy cùng chúc mừng quân sư.
Văn Hiến thoái thác rằng:
- Tôi tài cán gì mà dám nhận chức ấy. Bày kế làm Biện lại Vân Đồn nuôi
quân là của Nguyện Huệ. Giết tên biện lại cũ để chủ tướng thế chân là Vũ
Văn Nhậm. Nay tôi nhận chức ấy té ra là tranh công của Huệ và Nhậm hay
sao? Các vị há chẳng nghe người xưa nói: có ba điều nguy là:
Không có tài mà ở địa vị cao