Nguyễn Mộng Giác, tái hiện khá thành công người anh hùng áo vải Tây
Sơn và cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc,
từng in ở Mỹ và mới in lại ở Việt Nam, Lê Đình Danh viết về cuộc khởi
nghĩa Tây Sơn và người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ với một bối cảnh
rộng lớn hơn, đặt các nhân vật của Tây Sơn trong mối quan hệ trực
diện,đối nghịch, một mất một còn với chúa Nguyễn Đàng Trong, chúa Trịnh
Đàng Ngoài và Vương quốc Đại Thanh thời vua Càn Long hùng mạnh.
Không phải ngẫu nhiên mà thoạt đầu tác giả đặt cho bộ tiểu thuyết hai tập
hơn nghìn trang in với 5 phần 70 chương của mình cái tựa đề Nhị Nguyễn
tranh hùng mà hai nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm là Nguyễn Huệ
và Nguyễn Phúc Ánh. Có thể nói đó là hai nhân vật lịch sử, có vai trò cực
kỳ quan trọng quyết định sự thành bại của hai dòng Nguyễn Tây Sơn và
dòng Nguyễn thế gia vọng tộc Đàng Trong, quyết định khuynh hướng và
bước ngoặt phát triển của dân tộc Việt từ đầu thế kỷ XIX. Đặt nhân vật
Nguyễn Huệ vào trong bối cảnh chế độ phong kiến do các chúa Nguyễn ở
Đàng Trong đã kiến lập hơn hai trăm năm, kể từ khi người anh hùng kiệt
xuất Nguyễn Hoàng nhận ra dã tâm của Trịnh Kiểm, đã mang thân quyến
và bộ hạ vào lánh nạn ở Thuận Quảng năm 1558, cho đến khi lộng thần
Trương Phúc Loan lợi dụng sự mọt ruỗng của triều Nguyễn Đàng Trong
định tiếm quyền, gây cho muôn dân lầm than cơ cực… mới thấy tài năng và
sự xuất chúng tột bậc của người anh hùng áo vải trẻ tuổi. Cuộc khởi nghĩa
Tây Sơn (1773) do Nguyễn Nhạc khởi xướng, nếu không có Nguyễn Huệ,
chắc chắn sẽ bị tiêu diệt từ trong trứng. Bởi khi ấy, mặc dù trong Nam,
rường cột Chúa Nguyễn đã mục nát, nhưng lòng dân vẫn chưa hết ngưỡng
vọng về một vương triều với 11 đời chúa kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
hơn hai trăm năm đã khai mở và củng cố đất Đại Việt suốt từ hận giới sông
Gianh cho đến Sài Côn (Sài Gòn – Gia Định), Hà Tiên, Phú Quốc…, còn ở
ngoài Bắc, mặc dù các chúa Trịnh tiếm quyền nhà Lê, dân tình cơ cực,
nhưng hầu hết các sĩ phu Bắc Hà vốn ngu tín, ngu trung và muôn dân vẫn