Ngược lại, Thào Mỷ cứ xán lăn đến chỗ Chứ Đa. Đôi má bầu bĩnh, lúc nào
cũng đỏ hồng như vừa từ bếp lửa bước ra, lại điểm thêm cái lúm đồng tiền
rất sâu, cùng đôi mắt to tròn, sáng lóng lánh của Thào Mỷ đã làm cho Mí
Vư mê mẩn. Cái dáng người tròn lẳn của một thiếu nữ đang ở tuổi dậy thì
giấu trong bộ váy áo thêu hoa văn rất đẹp của Thào Mỷ khiến cho bao gã
trai bản nao lòng. Đã không ít lần Mí Vư đứng như trời trồng nhìn đăm
đắm vào bộ ngực tròn căng của Thào Mỷ. Lúc leo núi nó luôn đi sau ngay
sát Thào Mỷ để được ngắm đôi kheo chân trắng mọng của người con gái
cùng bản. Dáng hình Thào Mỷ toát lên một vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng
giống như một bông hoa rừng. Rồi sẽ đến ngày bông hoa rừng ấy bừng nở,
rực rỡ và ngát hương. Mí Vư cứ lo rằng đến lúc đó Thào Mỷ sẽ thuộc về
người khác, mà phần nhiều là sẽ thuộc về Chứ Đa!
Mí Vư lo là phải, bởi nó thua kém Chứ Đa về mọi mặt. Tuy là một
chàng trai khỏe mạnh nhưng Mí Vư không có khả năng gì đặc biệt, lại lầm
lỳ ít nói, gương mặt lúc nào cũng khắc khổ. Nét nổi bật nhất của Mí Vư là
thường quan tâm giúp đỡ mọi người. Đức tính này nó học được từ người
cha ngay khi nó còn nhỏ. Theo lời cha Mí Vư kể, hồi trước nhà nó bị cháy
không còn cái gì, phải vào hang đá ở, sống bằng củ quả, rau măng kiếm
được ở nương, ở rừng. Bà con trong bản xúm vào giúp cha mẹ nó dựng một
ngôi nhà chình tường, góp mỗi nhà một sinh ngô để sống qua ngày, đợi đến
khi thu hoạch vụ ngô mới. Để trả nghĩa tấm lòng bà con đối với nhà mình,
cha mẹ Mí Vư luôn sống tốt với mọi người. Nhà ai trong bản có công to
việc lớn, cha Mí Vư luôn có mặt trước tiên để giúp sức. Vào mùa làm
nương, cha thường bảo anh em Mí Vư đi khắp bản xem nhà ai neo người
thì đến giúp chọc lỗ bỏ hạt.
Từ ngày Thào Mỷ biết làm nương, Mí Vư thường hay đến giúp Thào
Mỷ lảu cỏ, chọc lỗ. Nó giúp theo thói quen vốn có, giúp vì thấy nhà Thào
Mỷ chỉ có hai bà cháu, thiếu người làm. Khi lớn hơn một chút, đến tuổi
thích nhìn con gái đẹp, nó còn lấy cớ đến giúp để được gần người con gái
mà nó thích. Mỗi khi được làm nương cùng Thào Mỷ, Mí Vư thấy lòng