cận cũng chưa ai làm được như Chứ Đa. Hồi nó còn ở nhà, có người lớn
không tin bảo nó nhảy cho xem, Chứ Đa chẳng ngần ngại bay người qua
luôn, khiến những người chứng kiến phục sát đất.
Ngoài những cái tài kể trên, Chứ Đa còn là một trong những người
giỏi khoan nòng súng kíp và thổi xì đồng. Cách đây mấy năm nó đã xin
người già cho theo vào rừng xem các tay thợ khoan nòng súng bằng sức
gió. Cái kiểu khoan này chỉ những người Mông kỳ cựu, giỏi rèn đúc nhất cả
vùng mới có thể làm được. Đây là một bí quyết của người Mông, lẽ ra
không được cho người lạ và trẻ con đến xem, nhưng chẳng biết Chứ Đa nói
thế nào mà người thợ già lại đồng ý cho nó đi cùng. Quả là người thợ già có
con mắt tinh đời. Chứ Đa còn rất trẻ mà đã học được bí quyết khoan nòng
súng, thậm chí nó khoan giỏi không kém gì những người lớn tuổi giỏi nhất.
Nó học thổi xì đồng nhanh đến mức thầy dạy vừa giảng xong nó đã làm
được ngay. Phường săn của bản thấy Chứ Đa giỏi quá đã cho nó nhập vào
tốp “lõng mồi” (tức là nấp ở những chỗ thích hợp để chờ con mồi xuất hiện
là bắn hạ). Nó trở thành đứa trẻ con đầu tiên của bản được nhập vào
phường săn. Ngay buổi đầu tiên ra mắt, Chứ Đa đã dùng nỏ bắn hạ được
mấy con chồn và cáo - một việc được coi là “kỳ tích” trong mỗi phường
săn...
Chứ Đa bây giờ ở đâu? Câu hỏi ấy cứ bám theo Thào Mỷ và các bạn
không thể dứt ra được. Từ ngày Chứ Đa mất tích, Thào Mỷ thường xuyên
lui tới nhà Chứ Đa để ngóng tin bạn và giúp đỡ bác Mùa vài thứ việc vặt.
Vừa làm nó vừa lựa lời dò hỏi bác Mùa tin tức về Chứ Đa, nhưng vẫn chỉ
nhận được những cái lắc đầu khó hiểu. Trong thâm tâm Thào Mỷ đoán chắc
rằng cha mẹ Chứ Đa biết nó đi đâu, nhưng không muốn nói ra. Thào Mỷ
cũng chẳng hỏi nữa, vì nó nghĩ chắc việc này có điều gì khó nói nên cha mẹ
Chứ Đa mới giữ bí mật như vậy. Gần đây Thào Mỷ thấy bác Chư Pấu cũng
không có ở nhà, chẳng biết là bác ấy đi đâu nữa. Mấy lần nó định hỏi bác
Mùa xem bác trai đi đâu, nhưng nghĩ sao nó lại thôi.