- Khôi Nguyên à, theo anh chúng ta có nhất thiết phải đối đầu với mụ
Thùy Dung không?
- Sao lại không kia chứ! Mụ ta ít nhiều có liên quan đến những vụ mất
tích. Nói không chừng, những bộ hài cốt đó chính là những nạn nhân đã
thuê căn nhà đó ở và “bốc hơi”, người ta sẽ nghĩ đến chuyện ma ám, ma
bắt. Nhưng, tôi lại nghĩ khác; sự mất tích của những cô gái đó, có sự liên hệ
nhất định đến căn nhà họ đã thuê và đến con mụ đó.
- Nếu giả thiết đó đúng thì mụ đã biết về tầng hầm, và mụ cùng với anh
mình là ông Trịnh Vỹ và đám người Hoa kia, rất có thể là đồng bọn của
nhau. Thế thì ngoài việc trồng cần sa ra, họ còn làm điều gì mờ ám nữa? Tại
sao lại bắt những người con gái đó? Họ có liên quan gì không? Hay là họ đã
vô tình phát hiện ra một bí mật nào đó nên bị thủ tiêu? Đôi lúc, tôi có cảm
giác như mụ Thùy Dung là một con cáo già, giống như mụ đang giả điên
vậy.
- Khá lắm Ngọc Diệp, gần đây cô tiến bộ nhiều đấy. Liên tưởng rất là
thú vị. Có rất nhiều giả thiết đặt ra xung quanh những bộ hài cốt đó, và
những vụ mất tích. Nhưng tạm thời chúng ta hãy khoan đặt ra giả thiết vội
làm gì, mà hãy tìm thêm những mảnh ghép để định hình bộ phận thiết yếu.
Mọi thứ sẽ được tiến hành giống như cách mà chúng ta tìm ra tầng hầm bí
mật đó. Truy tìm manh mối, ghi chép sắp xếp, suy luận rồi đặt giả thiết, loại
bỏ, tập trung đến căng não, xả strees, và chờ đợi “tia sáng khai ngộ”. Cứ thế
mà làm.
- Thú vị thật. Bây giờ thì tôi đã hiểu phần nào cách làm việc của anh rồi.
- Trên đời này có trăm triệu người thì có trăm triệu cách làm việc khác
nhau. Tốt nhất cô nên chọn cho mình cách làm việc nào cô thấy là hiệu quả
nhất, chứ đừng nên học theo ai. Có đôi lúc tôi rất mâu thuẫn như thế, mong
cô hiểu cho.