con và em đi theo một ả nhân tình? Vậy thì có lẽ hắn bị ám sát thật! Song
lẽ, bên nhà người mời ăn giỗ, khách khứa đều là bạn tốt, có ai nỡ lòng giết
Mãnh, mà có giết thì để làm gì? Lạ... lạ quá.
Ông Bỉnh cho người đi tìm con khắp bốn phía. Sau ba ngày tìm kiếm,
Lầm Phá thấy xác anh nằm trong khe đá, bên cạnh một dòng suối nhỏ, thân
thể bị nát bét, ruồi bọ bâu đầy, mùi hôi thối xông lên sặc sụa, ngạt mũi. KHi
khám tử thi, Phá rất lấy làm kinh ngạc.
Áo Mãnh vẫn còn lành lặn y nguyên, không rách. Chỉ có quần thì bị cắn
nát, tơi tả ra từng mảnh, để lộ nửa người dưới ra ngoài. Nhờ sự rách quần
ấy, Phá nhận rõ thấy anh mình bị một loài gì cắn mất hạ bộ. Và không
những thế, sau khi vạch làn tóc rối loà xoà phủ kín mặt người chết, Phá lại
nhận thấy Mãnh bị mất con mắt bên trái, ai đem móc ra và vứt đi tự bao
giờ. Phá đau lòng quá, quỳ xuống thây anh khóc sướt mướt, rồi không quản
hôi thối, cõng anh lên vai chạy một mạch về nhà.
Ông Bỉnh trông thấy xác con, vừa đau đớn vừa lo sợ. Lo sợ, vì ông suy
nghĩ, biết ngay Thắng Mãnh thiệt thân không phải tại bị người ám sát, mà
chính là bị Thần hổ xám cắn tha đi. Thật là ông vô phúc! Lần này thế nào
ông cũng bị vạ diệt môn! Ông Bỉnh cuống cuồng lo ngại quá.
Ông Bỉnh thật là người thông minh, nhanh trí. Ông đoán không sai chút
nào. Quả nhiên, con ác thú gần thành tinh kia chưa chết. Nó tuy bị một
phen đau đớn cực điểm - mù một mắt, gãy hai ba cái răng, cụt mất d ương
vật và sứt mất mũi, - song nó khoẻ lắm, nó chống cự rất hăng hái với tử
thần, với thương tích, nó chạy vào một khe núi sâu thẳm nằm dưỡng bệnh,
nó cố bám lấy sự sống. Sau khi lăn lộn mãi trong một thời gian thập tử nhất
sinh, nó thoát nạn, thương tích của nó dần dần vá lại, nó đoạt được số phận
gần nghiêng ngửa, lung lay. Nó sống. Nó sống là nhờ lòng tận tuỵ, nghĩa
thuỷ chung của một con hổ cái, vợ nó, ngày ngày hết sức rình mồi, săn các
dã thú để nuôi nấng nó và hơn nữa, đi lùng trong rừng những thứlá thuốc
đem về cho nó ăn rồi đắp vào những vết thương cho nó. Người ta bảo giống