LỜI GIỚI THIỆU
Thần thoại Hy Lạp, một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, từ lâu
đã trở thành một giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân
loại. Thật vậy, hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn
được tái sinh như thần thoại Hy Lạp, lại luôn luôn có mặt trong đời sống
hàng ngày như thần thoại Hy Lạp. Ngay trong thời cổ đại, thần thoại Hy Lạp
đã “hóa thân” thành thần thoại La Mã. Sự chế biến này của nền văn hóa La
Mã gần với nguyên mẫu như sao chép đến nỗi khoa thần thoại học hầu như
không có sự phân biệt giữa những vị thần Hy Lạp được đổi tên Latinh với
những vị thần Hy Lạp chính cống. Người ta vẫn thường dùng Jupiter
(Latinh) đề chỉ Zeus (Hy Lạp), Vénus để chỉ Aphrodite, Minerve để chỉ
Athéna, Mars để chỉ Ares và ngược lại. Nói như thế không có nghĩa là thần
thoại La Mã chỉ là sự chế biến lại thần thoại Hy Lạp. Thần thoại La Mã cũng
có một số sự tích, truyền thuyết về vị thần này, thần khác mang tính chất
riêng biệt của mình. Nhưng nhìn chung cái vốn thần thoại gọi là đích thực La
Mã ấy không lấy gì làm phong phú, đáng được liệt hạng.
Trong nền văn hóa nhân loại, từ những bức vẽ, bức tượng của các
nghệ sĩ thời cổ đại, thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XVII, XVIII, XIX và cả thế
kỷ XX của chúng ta cho đến một tập khảo luận, một vở kịch, một cuốn
truyện... đều đã khai thác đề tài, cốt truyện, nhân vật, sự việc trong thần thoại
Hy Lạp. Trong văn chương, trên báo chí, những thành ngữ, điển tích từ thần
thoại Hy Lạp được sử dụng phổ biến như một thứ tín hiệu quen thuộc
(đương nhiên chúng ta vẫn chưa quen lắm với thứ tín hiệu này), nào Con
ngựa thành Troie, Quả táo bất hòa, Chiếc giường Procuste, rồi Tai vua
Midas, Thói Narcisse, Gã Satyre... Ấy là chưa kể tên các vì sao, chòm sao,
đường phố, rạp hát, công viên, quảng trường, lâu đài, dinh thự, tên hàng hóa,
vũ khí, con tàu vũ trụ... cũng lấy từ thần thoại Hy Lạp.
Đọc những tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V.I. Lénine, chúng ta
thường gặp những ẩn dụ, tỉ dụ bằng thần thoại Hy Lạp. Như vậy thần thoại
Hy Lạp không phải là lĩnh vực chuyên môn hẹp của những nhà folklore học,
thần thoại học, văn học phương Tây, mà là lãnh vực kiến thức phổ thông
trong thế giới hiện đại. Thiếu vốn kiến thức phổ thông này là thiếu một
phương tiện để hiểu biết. Tiếp xúc, đối thoại với nền văn hóa phương Tây
mà không có vốn kiến thức phổ thông này thì quả là gặp khó khăn không ít.
Làm sao lúc nào cũng có, cũng mang theo bên người một cuốn từ điển để tra
cứu điển tích này, điển tích khác? Hơn nữa trong việc diễn đạt tư tưởng, một