cách viết, một cách nói, việc biết sử dụng những ám dụ, tỉ dụ từ điển tích
thần thoại càng làm cho tư tưởng mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, duyên
dáng hơn, dễ tiếp nhận hơn, nhất là đối với thế giới phương Tây.
***
Thần thoại, tiếng Hy Lạp cổ là Mythologia có nghĩa là một tập hợp,
một tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung
mà ngày nay chúng ta coi là hoang đường, kỳ ảo, huyền hoặc. Mythologia
được cấu tạo bởi hai từ: mythos và logos. Mythos là truyền thuyết, truyện cổ
tích, ngày nay chúng ta dịch là huyền thoại. Logos là ngôn từ chuyện kể.
Thật ra lúc đầu mythos mang nghĩa là ngôn từ, sau dần mới chuyển thành
truyền thuyết, truyện cổ tích hoặc truyện ngụ ngôn. Còn logos lúc đầu mang
nghĩa là lời nói xấu xa, nịnh hót, lời nói tinh quái, sau dần mới chuyển thành
ngôn từ, lời nói chân chính, và cuối cùng mang nghĩa là lời nói của văn xuôi
hoặc là học thuyết, khoa học. Trong ý nghĩa này, logos đối lập với mythos.
Mythos là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, truyện cổ tích, nghĩa là lời nói
của ảo tưởng, hoang đường, không duy lý, không đáng tin cậy, lời nói chưa
có trật tự, ổn định, rõ ràng, minh xác. Còn logos là lời nói của lý trí và chân
lý, lời nói của sự ổn định, trật tự, xác thực, đáng tin cậy, lời nói thông minh
về bản chất hoặc bản chất sự vật
. Quá trình chuyển nghĩa trên đây của
mythos và logos diễn ra trong hoàn cảnh xã hội Hy Lạp từ chế độ công xã thị
tộc chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Với logos, nước Hy Lạp bước vào
thời kỳ triết học.
Mythologia, ngoài nghĩa là một tổng thể những mythos, sau được
mang thêm một nghĩa nữa là khoa thần thoại học. Sự ra đời thuật ngữ
mythologia trên cơ sở kết hợp, gắn liền mythos với logos, biểu lộ một
khuynh hướng muốn kéo mythos lại gần với lý trí, chân lý. Bởi vì bản thân
huyền thoại cũng có những chuyện chứa đựng chân lý, phản ảnh chân lý, có
sự tham gia phần nào của lý trí như là mầm mống của tư duy lý luận. Bởi vì
nếu đối lập một cách tuyệt đối mythos với logos thì vô hình trung đi tới chỗ
phủ nhận toàn bộ vốn liếng kiến thức của tổ tiên. Mythologia ra đời lãnh
nhiệm vụ điều chỉnh lại mối quan hệ đó. Vấn đề là phải trật tự hóa cái vô trật
tự, hỗn độn của huyền thoại, tạo ra một sự hài hòa giữa truyền thống huyền
thoại vốn mơ hồ, trái ngược, mâu thuẫn, tổ chức chúng lại thành từng hệ,
từng khối cho rõ ràng. Trong quá trình ứng tác - biểu diễn, những nghệ nhân
dân gian aède và rhapsode, đã từng làm công việc đó. Và khi nước Hy Lạp
bước vào nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ với sự phân công lao