con xa mẹ, lòng mẹ thương nhớ con da diết, khắc khoải như thế nào thì mùa
màng, con người, trông chờ, mong đợi thời tiết ấm áp của mùa xuân cũng da
diết, khắc khoải như thế! Gắn bó với cách giải thích Hadès bắt Perséphone
về thế giới âm cung sáu tháng là mùa thu và mùa đông, người xưa còn suy
tưởng: hạt lúa mì bị chôn vùi dưới đất suốt mùa thu và mùa đông chẳng khác
chi Perséphone bị giam giữ dưới âm phủ. Sáu tháng sau, xuân hè tới,
Perséphone trở lại với dương gian trong ánh nắng, chói lọi, chan hòa chẳng
khác chi hạt lúa mì từ lòng đất vươn lên, từ cõi chết được phục sinh, tái sinh
trong niềm chờ đón hân hoan của vạn vật. Đất, mùa màng là Mẹ. Thời tiết
thuận lợi, mùa xuân là Con. Trí tưởng tượng của huyền thoại thật là kỳ diệu!
Không riêng gì người Hy Lạp cổ mới có cách giải thích nhân bản
hóa, nhân tính hóa hiện tượng tự nhiên như vậy. Trong gia tài thần thoại của
nhiều dân tộc trên thế giới, theo các nhà thần thoại học, folklore học, cũng có
cách giải thích những hiện tượng của thiên nhiên với sự suy tưởng như câu
chuyện này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiền thân của huyền thoại
Déméter, Perséphone, Dionysos là thần thoại Osiris ở Ai Cập. Câu chuyện
vắt tắt như sau: Hai vợ chồng Osiris và Isis cai quản thế giới thần thánh và
loài người ở Ai Cập. Osiris đã dạy cho loài người nghề nông. Em ruột Osiris
là Seth giết Osiris chặt làm mười bốn khúc vứt đi khắp bốn phương. Isis
cùng với con trai là Horus sau bao nhiêu năm lang thang, phiêu bạt cuối
cùng thu lượm được đầy đủ xác chồng. Nhờ đó Osiris được phục sinh, để cai
quản vương quốc của những người chết. Còn Horus cuối cùng giết chết Seth
để trả thù cho cha.
Trong thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ thứ IV TCN) và thời kỳ đế chế La
Mã (thế kỷ thứ III TCN), tôn giáo-thần thoại Osiris phát triển khá rộng rãi
trong thế giới Hy Lạp. Dựa vào cốt truyện này người ta tổ chức những nghi
lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère, tiếng Hy Lạp nghĩa là bí ẩn) về đoạn
Isis và con trai là Horus đi tìm xác Osiris, về đoạn Osiris phục sinh. Trong
thời kỳ đế quốc La Mã suy tàn, vào hai thế kỷ đầu của kỷ nguyên chúng ta,
tôn giáo-thần thoại Osiris phổ biến khắp vùng ven biển Nam Địa Trung Hải.
Ý nghĩa tượng trưng của tôn giáo-thần thoại Osiris, cái chết và sự tái sinh,
phản ánh sự biến chuyển của thời gian, thời tiết, đông tàn, xuân đến, năm cũ
đi, năm mới tới, những sức sống mới của tự nhiên lại hồi sinh sau khi chết,
dần dần mất đi nhường chỗ cho hình ảnh người vợ của Osiris nổi lên hàng
đầu. Từ đó, nữ thần Isis được con người ban cho nhiều quyền lực, tài năng,
như đã sáng tạo ra chữ viết, là người lập pháp, là người tách đất ra khỏi trời,
vạch đường cho các ngôi sao, v.v. Và ở đây cũng đã diễn ra một quá trình
hỗn đồng (synérétisme, còn dịch là hỗn nguyên, nguyên hợp) tôn giáo-thần
thoại, một quá trình phức hợp: một vị thần mới chiến thắng vị thần cũ và
đảm nhiệm thêm ngày càng nhiều những chức năng của các vị thần khác.