khu vực Acropole thiêng liêng. Lâu đài, đền miếu, điện thờ... rồi đến cái bình
hình dáng thon thon có hai quai, chiếc rìu, lưỡi búa đều từ đầu óc Dédale
nghĩ ra hoặc từ bàn tay Dédale làm ra. Những hình vẽ trên vại gốm, những
cảnh trạm khắc trên đồng... đều do hoa tay của người thợ Dédale tỏa hương
ra cả. Danh tiếng của Dédale vang lừng khắp thế giới Hy Lạp.
Dédale hàng ngày cặm cụi làm việc. Giúp chàng có một người cháu
gọi bằng cậu, tên là Talos. Talos vừa làm nhưng cũng là vừa học. Cậu nào
cháu ấy, Talos học một biết mười vì thế ông cậu Dédale rất hài lòng. Nhưng
rồi một ngày kia, ông cậu thân yêu của đứa cháu rất thông minh đó không
hài lòng, hoàn toàn không hài lòng. Vì Talos làm hỏng một việc gì chăng?
Không, Dédale không hài lòng chỉ vì Talos tỏ ra tài giỏi hơn chàng. Talos đã
dựa theo một cái xương cá sáng chế ra một cái cưa, một dụng cụ vô cùng
hữu ích và thuận lợi cho công việc người thợ. Không có cái cưa, ta thử tưởng
tượng xem, cứ chặt, chém, đẽo, gọt bằng dao thì làm sao cho nhanh, cho
mỏng, cho thẳng được. Dédale đem lòng thù ghét đứa cháu yêu quý đầy tài
năng sáng tạo, đầy hứa hẹn biết bao nhiêu sáng chế phát minh. Dédale tính
toán lo sợ rằng rồi ra danh tiếng và tài năng của Talos sẽ làm lu mờ cái tên
Dédale. Vì thế Dédale lập mưu giết cháu. Chuyện xảy ra trong một cuộc dạo
chơi. Dédale bữa kia vờ rủ cháu đi lên bờ thành cao dạo mát, ngắm phong
cảnh để rồi bất ngờ đẩy cháu từ bờ thành cao ngã xuống chân thành. Thật
không gì khủng khiếp và đê tiện bằng! Giết cháu xong, Dédale lần xuống
chân thành chôn xác phi tang. Nhưng những người Athènes bắt gặp Dédale
đang đào huyệt. Thế là họ truy ra sự thật. Dédale phải ra tòa để bị xét xử, và
tòa án thành Athènes thật là nghiêm minh, đã kết án tử hình. Để tránh khỏi
xử tử, Dédale phải tự trục xuất ra khỏi đô thành Athènes. Chàng trốn sang
đảo Crète, và đúng vào lúc xảy ra chuyện Pasiphaé sinh ra đứa con nửa bò
nửa người thì Dédale đang là một kiều dân Athènes cư trú trên đảo Crète. Ở
đảo Crète tiếng tăm của chàng cũng lừng vang. Vì thế, chàng được nhà vua
Minos triệu đến để hiến kế. Dédale khuyên nhà vua cho xây một cung điện,
một cung điện có lối đi vào hiểm hóc, ngoắt ngoéo, xoáy trôn ốc, vặn vẹo để
nhốt Minotaure. Có như thế mới hòng che mắt được mọi người. Minos ra
lệnh cho khởi công ngay. Dưới sự chỉ huy của Dédale, mọi việc tiến hành
đâu ra đấy, răm rắp nhanh chóng. Labyrinthe là tên gọi của tòa nhà ngục
tráng lệ và rối tinh rối mù đó. Chẳng biết có bao nhiêu phòng, bao nhiêu
buồng, còn hành lang thì chằng chịt, lên lên xuống xuống... Công việc hoàn
thành. Người ta đem nhốt Minotaure vào trong đó, và quả thật đúng như ý đồ
của vị “tổng công trình sư” Dédale, Minotaure không lần tìm được lối ra,
đành chịu sống... chết gí trong cung điện “bát trận đồ” ấy.
Để nuôi Minotaure phải cho nó ăn thịt sống: thịt các súc vật hoặc thịt
người. Vua Minos mỗi lần gây chinh chiến, áp đặt được quyền lực lên lãnh