Kères thường hạ cánh xuống nơi chiến địa để hút máu, ăn thịt những người
đã chết. Đây là những nữ thần Chết khác với thần Thanatos, một nam thần
cũng là con của Nyx, lãnh sứ mạng đi báo tử cho những kẻ bất hạnh mà thật
ra người Hy Lạp xưa kia cũng coi Thanatos như là thần Chết. Tiếp đến là
thần Giấc ngủ-Hypnos
còn gọi là thần Giấc mộng, nữ thần Bất hòa-Éris.
Trong số con gái của nữ thần Nyx ta không thể không nhắc đến vị nữ
thần Đấu tranh. Giống như mẹ, vị nữ thần này lại đẻ ra một loạt các thần tai
hại khác như Mỏi mệt, Đói khổ, Đau thương, Hỗn loạn, Gây gổ, Cướp bóc,
Chém giết...
Chưa hết, Đêm tối-Nyx còn sinh ra ba chị em nữ thần Moires (thần
thoại La Mã: Parques hoặc Tri Fata)
cai quản Số mệnh của thần thánh và
loài người. Số mệnh này là cuộn chỉ trong tay nữ thần Clotho (thần thoại La
Mã: Nona). Nàng quay cuộn chỉ để cho nữ thần Lachésis (thần thoại La Mã:
Decima) giám định. Chiểu theo sự giám định này, nữ thần Atropos (thần
thoại La Mã: Morta) tay cầm kéo lạnh lùng cắt từng đoạn chỉ-Số mệnh của
chúng ta. Thật bất hạnh cho ai bị lưỡi kéo của Atropos cắt đoạn chỉ-Số mệnh
của mình. Người đó sẽ buộc phải từ bỏ cuộc sống êm dịu, ngọt ngào như mật
ong vàng để về sống dưới địa ngục Tartare.
Ta còn phải kể đến nữ thần Némésis một người con gái của nữ thần
Đêm tối-Nyx, đảm đương công việc trừng phạt, trả thù đối với những kẻ
phạm tội để giữ gìn luân thường đạo lý và sự công bằng. Nàng còn là vị nữ
thần gìn giữ sự mực thước trong đời sống. Những thói kiêu căng, ngạo mạn
của người trần thế muốn vượt lên thần thánh, rồi những hoàn cảnh ỷ thế giàu
sang, có quyền có lực làm càn, làm bậy, cùng những hành động thái quá như
xa hoa, tự phụ, ức hiếp lương dân đều không qua được con mắt nữ thần
Némésis.
Đó là tóm tắt câu chuyện về buổi khai thiên lập địa, thế gian từ chỗ
hoang vu, hỗn độn đến chỗ có hình dáng và có thần cai quản. Nhưng lúc này
đây mọi thứ còn hết sức bề bộn ngổn ngang, chưa ổn định, chưa trật tự, cân
bằng. Cronos cướp ngôi của Ouranos cai quản thế gian với tất cả nỗi khó
khăn như vậy.
Thần thoại về buổi khai thiên lập địa của người Hy Lạp có những nét
tương đồng với thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới mà khoa thần thoại
học so sánh (comparatif mythologie) đã khảo sát thấy. Đó là môtíp về việc
tách đất ra khỏi trời, về việc tống giam những đứa con của đất vào lòng đất.
Đọc thần thoại Ấn Độ chúng ta thấy: Thuở khởi đầu của vũ trụ chỉ là
nước mênh mông, không có cả Cái Tồn tại và Cái Không tồn tại
. Sau dần