Về chó ngao Cerbère, có người bảo không phải chỉ có ba đầu mà có
tới năm chục đầu. Chó ngao Cerbère lại kết hôn với mẹ Échidna sinh ra quái
vật Sphinx có cánh, nửa thân trên và khuôn mặt là người phụ nữ, nửa thân
dưới là sư tử, đuôi rồng. Lại còn ác quỷ Méduse, sư tử Némée, con rồng ở xứ
Colchide, con rồng Ladon canh giữ những quả táo vàng, tặng phẩm của nữ
thần Đất mẹ-Gaia cho Héra ngày cưới.
Typhon còn sinh ra những ngọn gió hung bạo (không phải gió Euros,
Notos, Borée và Zéphyr) gây nên những cơn lốc, cơn bão và những ngọn
sóng thần khiến cho thuyền bè đi biển bị đắm, mùa màng bị thiệt hại, người
chết, của mất đau thương, ai oán không sao kể xiết.
Nói về Zeus thì từ đây không còn phải bận tâm đối phó với một kẻ
thù nào nữa. Zeus cũng chẳng còn phải lo sợ một thế lực nào, vì thế đã đến
lúc Zeus có thể ân xá cho những vị thần thuộc thế hệ trước. Zeus mở ngục
Tartare giải thoát cho các Titan và Cronos, đưa họ đến trị vì ở một nơi xa tít
tắp mù khơi. Đó là một thế giới tuyệt diệu trên những hòn đảo “hạnh phúc”,
nơi mà tất cả niềm hạnh phúc vô tư, thanh thản sung túc của thời đại Hoàng
kim đang còn lưu giữ được.
Như vậy là kết thúc cuộc giao tranh lần thứ ba của các vị thần trẻ, các
vị thần của thế giới Olympe văn minh và năng động hơn những vị thần già
cổ hủ của ngọn núi Othrys
. Và thần Zeus trở thành vị thần tối cao của trật
tự mới và pháp chế mới: trật tự và pháp chế của thời đại anh hùng. Thật ra
hình ảnh này về Zeus có phần nào làm người ta quên đi cái hình ảnh “thuở
hàn vi” xưa kia của Zeus, lúc Zeus chỉ đơn thuần là sấm sét, giông bão, mây
mưa. Lại có lúc Zeus là hàng rào, là gióng cửa, là thanh gỗ chắn đảm nhận
chức năng vị thần bảo hộ cho gia đình. Giờ đây ở cương vị mới, Zeus giữ lại
sấm sét như là thuộc tính của mình.