người phụ nữ đẹp nhất châu Âu. Chàng sẽ có một người vợ xinh đẹp tuyệt
trần.
Paris quyết định ai? Vị nữ thần nào được nhận quả táo vàng? Chàng
chẳng phải mất thời giờ suy nghĩ lâu la. Chàng tiến đến trước mặt nữ thần
Aphrodite nghiêng mình kính cẩn trao quả táo vàng Tặng người đẹp nhất
cho nữ thần. Cuộc phân xử thế là xong.
Xét cho cùng sự phân xử của Paris là công bằng và thỏa đáng. Bởi
một lẽ đơn giản: có lẽ nào vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp lại không phải là
vị nữ thần đẹp nhất. Thần Zeus trao cho loài người trần tục đoản mệnh chúng
ta cái vinh dự được phân xử vụ tranh chấp cái đẹp giữa các vị nữ thần thì loài
người chúng ta cũng được dịp chứng tỏ rằng mình không nên phụ lòng tin
của Zeus, và chẳng phải bất cứ người nào cũng xét xử được việc này đâu.
Không phải là một người đẹp thì làm sao có thể đủ tư cách để giám định về
cái đẹp cho ba vị nữ thần! “Đem đàn mà gảy tai trâu” thì cực hết chỗ nói!
Khen cho con mắt tinh đời của Zeus và cũng phải khen cả cho con mắt tinh
đời của Paris.
Việc phân xử thế là xong, nhưng lại nảy sinh ra một chuyện khác
chẳng xong. Do không được quả táo vàng, hai vị nữ thần Héra và Athéna
đem lòng thù ghét chàng Paris, hơn nữa thù ghét cả dòng giống Troie. Chưa
hết, hai vị nữ thần còn thù ghét cả nữ thần Aphrodite. Họ rắp tâm định bụng
sẽ tìm cách trừng trị người Troie. Thế là quả táo vàng Tặng người đẹp nhất
trở thành Quả táo của mối bất hòa. Ngày nay trong văn học thế giới, thành
ngữ Quả táo của mối bất hòa (La pomme de discorde) ám chỉ nguyên nhân
của một sự bất đồng ý kiến, của những cuộc tranh cãi, xung đột, mâu thuẫn.