hòa. Nếu địch quân xuất hiện ở đâu đó thì các cánh quân của ông có thể
trong vòng một hai ngày tập trung lại đối địch. Ở đây cũng như ở khắp các
mặt trận khác sau nầy đường liên lạc giữa đại hãn và các tướng lãnh không
bao giờ đứt đoạn. Chiến thuật lúc tiến thì tản ra, lúc đánh thì họp lại được
Thành-Cát-Tư-Hãn áp dụng một cách tuyệt hảo. Cho nên kẻ địch phải ngạc
nhiên thấy bất cứ ở nơi nào binh Mông cổ cũng có thể xuất hiện đột ngột và
đến những trận quyết định họ xuất hiện đông đảo không ngờ được.
Bây giờ ba đạo quân Mông cổ do các vương tử chỉ huy tiến theo hình
cánh quạt qua suốt tỉnh Sơn tây.
Thành Cát Tư Hãn và Đà Lôi chỉ huy cuộc bao vây thành Đại Đồng Tây
kinh của nước Kim.
Triết Biệt dẫn đạo quân thứ năm đi tìm đường xuống bình nguyên
Yên Kinh.
Lúc viên tướng nầy hạ hết những cái thành lẻ tẻ, mở được con đường
rồi, Thành-Cát-Tư-Hãn liền bỏ Đại Đồng, ba vương tử cũng bỏ những
thành đã chiếm, đồng kéo rốc lực lượng xuống bình nguyên tiến thẳng đến
cửa thành Yên Kinh.
Đây là lần thứ nhất Thành-Cát-Tư-Hãn được dịp đứng trước một kinh
thành vĩ đại. Ông cho ngựa rảo một vòng để quan sát: nào hào, nào tường
… thật là sâu, thật là kiên cố, thật là rộng lớn! Không ngờ con người có thể
làm được một công trình lớn lao đến như thế!
Đại hãn hết sức băn khoăn: Bây giờ phải làm thế nào? Có lẽ không
bao giờ ông làm chủ được cái đô thị có mấy trăm ngàn quân trú phòng nầy!
Có lẽ không bao giờ làm chúa tể đế quốc Kim được! Ông đã chiến thắng
bốn đạo quân rồi, đạo quân nào quân số cũng đông gấp mấy lần quân của
ông, vậy mà tin cho biết còn nhiều lực lượng hùng hậu khác ở bốn phía kéo