Người nào cũng có hai cây cung với hai túi tên đựng nhiều loại khác nhau:
tên đâm thủng áo giáp, tên lửa, tên tẩm thuốc độc... và trong hai thứ túi ấy,
có một thứ đặc biệt không thấm nước. Lợi hại nhất là cây cung, một loại
cung đặc biệt có ba đoạn uốn (arc à triple courbure) chớ không suông như
loại cung của Tây phương. Mỗi cây cung là một công trình tuyệt mỹ của
người thợ, một tổng hợp nhiều vật liệu như tre, gỗ, sừng, gân, da... xạ lực
tới 400 thước. Các sử gia đều nhận rằng chính cây cung ấy là một yếu tố
chiến thắng của quân đội Mông Cổ.
Ngoài ra mỗi người có một số lao, lao ngắn, lao dài, và một dây thòng lọng
thật nhạy bằng lông đuôi ngựa một khi tung ra thì không bao giờ trật mục
phiêu. Cho đến thời Nã Phá Luân, người Nga còn dùng đạo quân Kalmouk
(hậu duệ Mông Cổ) sử dụng thòng lọng thần tình; trong một trận tấn công
họ dùng thòng lọng lôi địch quân đang phi ngựa xuống đất và kéo xểnh đi,
khiến cho từ đó hễ nghe nói đến quân Kalmouk, quân Pháp đều sợ thất thố.
Mỗi kị binh Mông Cổ đều có ba hoặc bốn con ngựa để thay đổi. Trên lưng
ngựa đều có sẵn một cái mộc tròn bằng da cung tên không thể xuyên thủng
được, một bình đựng koumiss, một túi đựng thịt khô, pho mát cứng, và túi
đựng những thứ cần thiết như kim chỉ, giũa, v.v...
Mỗi đội quân đều có những đơn vị trợ chiến:
- Một tiểu đoàn pháo binh, sử dụng xe bắn đá dễ tháo ráp do trâu Yak hoặc
lạc đà kéo; xe phóng hỏa pháo, đại bác để phá hủy những vọng đài và tiêu
diệt quân phòng thủ trên mặt thành. (Họ đã có thuốc nổ trước Berthold
Schwaiz bên Âu châu 10 năm).
- Một tiểu đoàn công binh do các chuyên viên Trung quốc phụ trách, lo mọi
việc xây cất trên bộ hoặc dưới nước, như bắc cầu, đắp đê, khai kinh, tháo
nước... (binh đoàn của Sát Hợp Đài lúc tiến đến sông Syr-Daria đã bắc tất
cả 48 cái cầu.)
Ngoài ra lại có tổ chức thanh tra, giao cho nhiều sĩ quan phụ trách việc