Dã tốc Cai tặng cho Đài xếch Sên một con tuấn mã sắc đen huyền
và nhận trở lại nhiều món quà quí. Hai ông bố thỏa thuận để Thiết mộc
Chân ở lại đây làm rể tới khi nào đoàn trại của hai ông đã lùa gia súc cho
ăn chung một mục trường, bây giờ hai họ kể như đã thông gia.
Nhờ những ngày làm rể ở đây, Thiết mộc Chân mới nhận thấy ở lân
cận một nước như nước Kim thật vô cùng ích lợi. Bọn thương nhân Trung
Quốc gần như thường xuyên có mặt thường xuyên ở nơi đây; họ có nhiều
loại tơ lụa tuyệt đẹp, nhiều thứ mộc thật chắc sơn màu sặc sỡ, túi đựng tên
bằng ngà và vô số những đồ trang trí mỹ thuật. Họ đem đổi với sản vật của
dân bộ lạc như da và lông thú, ngựa, trừu, lạc đà, trâu yak hoặc có khi chỉ
đổi lấy muối mà dân Sung Di Rát đã lấy ở các biển hồ trong xứ Mông Cổ.
Mỗi lần tới bộ lạc, họ đều mang theo nhiều thứ quà tặng riêng cho người
nào giao dịch với họ: vài bộ quần áo, vài món đồ trang sức của phụ nữ, kẹo
bánh cho trẻ con. Trong lều của người Sung Di Rát nào cũng chứa đầy
những của báu. Không hiểu sao dân nước Kim có thể cho mãi những vật
quí như vậy mà không nghèo?
Từ đó Thiết mộc Chân hết sức lưu ý tìm hiểu cái nước Kim có lắm
điều kỳ lạ này. Cậu không bỏ lỡ dịp gần gũi với những đoàn buôn từ xa tới.
Họ có đầu óc thực tế, khéo léo và rất sành sỏi trong việc chọn lựa súc vật
cũng như da thú. Họ cho biết nước Kim giàu mạnh hơn một bộ lạc lớn nhất
ở đây hàng trăm lần; dân chúng đều sống trong những đô thị có thành cao
bao bọc, phòng thủ rất kiên cố, của chất chứa nhiều không kể xiết. Nhưng
điều làm cho cậu bé ngạc nhiên hơn cả là bọn thương nhân lại chịu đổi đồ
quí giá như thế với những tấm da xấu xí và súc vật tầm thường. Sao họ
không đem chiến sĩ tới đoạt lấy tất cả có phải giản tiện hơn không? Nhạc
phụ có cho biết dân ở đô thị không phải là chiến sĩ, họ không biết cỡi ngựa
đi săn, bắn cung và phóng lao. Trong đầu cậu bé nảy ra ý khinh miệt thứ
dân đô thị này. Tại sao nhạc phụ mình lại chịu buôn bán với họ mà không
kéo binh vào nước họ lấy hết của cải cho rồi? Nhưng sau đó cũng nhờ bọn