Dân Thát Đát hưng khởi, lôi cuốn được tất cả những bộ lạc lân cận
về qui phục, tên bộ lạc Mông Cổ từ đó chìm trong quên lãng.
Về sau Dũng sĩ Dã-Tốc-Cai, cháu nội của Khả hãn Ka Buôn, được
người trong họ cử lên làm Tộc trưởng tộc Ki Dát, ông qui tụ được bốn vạn
lều dưới quyền chỉ huy của mình. Ngay lúc đó Kim lại sai sứ giả đến kêu
gọi ông liên minh đánh quân Thát Đát, bấy giờ đã trở thành một mối đe
dọa. Ông đại thắng, bắt được tù trưởng Thiết mộc Chân và vô số chiến lợi
phẩm đem về đoàn trại ở thượng lưu sông Onon. Về tới lều mới hay bà U
Luân, vợ ông, vừa mới sinh hạ một đứa bé trai. Theo tục lệ cổ truyền,
người Mông Cổ thường lựa cho con một tên có ý nghĩa nhắc nhở một việc
quan trọng xảy ra lúc nó mới ra đời, nên Dã tốc Cai đặt cho đứa con đầu
lòng của mình cái tên Thiết mộc Chân (theo sử M.C. năm 1155, sử T.H.
1162).
Lúc mới lọt lòng mẹ, đứa bé nắm trong tay một hòn máu giống như
hòn hồng thạch nên có vị pháp sư đoán rằng về sau Thiết mộc Chân sẽ trở
nên một chiến tướng lừng danh. Năm chín tuổi, Thiết mộc Chân đã phải
theo cha lên đường đi hỏi vợ và theo tục lệ người vợ ấy phải ở một bộ lạc
thật xa. Chưa có dịp nào cậu bé được đi xa như vậy. Những chuyến lùa súc
vật đi đây đó để tránh mùa đông bất quá chỉ quanh quẩn trong vùng quê cha
đất tổ, giữa hai con sông Onon và Kéroulène. Giờ đây cậu vượt qua nhiều
thung lũng bao la giữa những dãy núi cao sừng sững phủ một lớp rừng cây
sầm uất. Đây đó những dòng nước chảy xiết, hai bên bờ vô số những con
sếu đang đi nghễu nghện. Trên những cù lao nhỏ thì rợp loài thiên nga, giữa
không trung hàng vạn con chim âu xám đang vỗ cánh vun vút. Thật là một
dịp tốt cho cậu sử dụng cây cung của mình. Nhưng càng đi xa thì những
vùng cây cỏ xanh tươi càng thưa thớt dần, núi đá đen lởm chởm, tảng nào
cũng đóng một thứ rêu vàng, rồi tới núi trọc càng ngày càng nhiều. Qua
những đường hang gió thổi hun hút gào âm ỉ như tiếng thác đổ liên hồi, họ
phi ngựa bên cạnh dãy núi Darchan, một vùng nhấp nhô những đồi đá đen,