Đến thế kỷ XII, toàn thể gia đình Khả hãn người nào cũng có tên thánh.
Khoảng hai đời trước Thành Cát Tư Hãn, Khả hãn của họ là Marcus Bu-Di-
Rúc, muốn làm bá chủ ở miền đông sa mạc Gobi, đem quân đi đánh Thát
Đát và nước Kim, nhưng bại trận, bị quân Thát Đát bắt nạp cho quân Kim
rồi bị đóng đinh trên lưng ngựa gỗ. Vợ của ông sau đó mưu báo thù cho
chồng, giết được Khả hãn Thát Đát. Bu-Di-Rúc có hai người con: Cua-Gia-
Cui và Guộc-Khăng. Cua Gia Cui nối ngôi rồi sau truyền lại cho con là Tô-
Ha-Rin. Guộc Khăng mượn thế lực của Nãi Man đoạt ngôi của cháu. Tô Ha
Rin, nhờ có Dã Tốc Cai cha của Thiết Mộc Chân trợ lực, lấy lại được ngôi
Khả hãn. Từ đó Tô Ha Rin gây được một thế lực hùng hậu, có một trăm
ngàn quân và trên một triệu gia súc. Thành của ông xây bằng đá rất kiên cố,
việc buôn bán thật phồn thịnh. Các thương đoàn tới lui rầm rập, buôn đồ
gia vị Ả Rập, tơ lụa Trung Quốc, vũ khí ở Damas cùng đủ loại hàng hóa
của Tây Liêu, Hồi quốc…
Thiết Mộc Chân từ lâu đã có ý định đến thăm Tô Ha Rin nhưng mãi đến
dịp nầy mới nhất quyết. Chàng dâng tặng chiếc áo lông hắc điểu làm lễ
tương kiến, nhắc đến tình thân thiết giữa cha chàng và Khả hãn rồi tự
nguyện làm nghĩa tử.
Tô-Ha-Rin đã nghe thuộc hạ báo cáo về vụ quân Miệt Nhi đột kích vào bộ
lạc Mông Cổ. Bọn này cũng thường công khai quấy rối dân Khắc Liệt. Nay
thấy đứa con của người bạn cũ tỏ lòng trung nghĩa như vậy, Khả hãn không
thể làm ngơ được, hơn nữa chiếc áo đã làm cho vị Chúa hết sức hài lòng.
Tức khắc lệnh truyền xuống, một quân đoàn tinh nhuệ lên đường đặt dưới
quyền chỉ huy của Thiết Mộc Chân.
Tin loan đi thật nhanh khắp miền đồng cỏ: Thiết Mộc Chân chỉ huy quân
đoàn Khắc Liệt. Thiết Mộc Chân là nghĩa tử của Tô-Ha-Rin, Khả hãn hùng
mạnh nhất.