và ông thật sự có những đức tính căn bản của một nhà lãnh đạo. Dĩ nhiên
ta phải hiểu theo nghĩa lãnh đạo các dân tộc du mục, chứ không phải dân
định cư. Trong khuôn khổ ấy, ông đã tỏ ra là người được thiên phú cái biệt
tài lập trật tự và giỏi trị dân. Bên cạnh cái tính tàn bạo đến khủng khiếp,
người ta thấy ông có một khía cạnh cao thượng, quí phái không thể phủ
nhận được. Một trong những nét nổi bật nhất là tính khinh ghét tột độ
những kẻ phản bội. Tất cả những kẻ lầm tưởng rằng phản bội chủ cũ sẽ
đựơc tín nhiệm nơi ông đều bị giết phăng đi không chừa người nào. Trái lại
sau một trận chiến thắng, ông thường ban thưởng trọng hậu, hoặc thâu
dụng dưới trướng những kẻ tỏ ra kiên trung với chủ trước của họ. Một kẻ
yếu một khi đã đặt mình dưới sự che chở của ông, đều được bảo vệ đến
cùng và được ông lưu tâm giúp đỡ suốt đời, không có gì làm lay chuyển nổi
lời hứa hẹn của ông đã thốt ra.
Về mặt chính trị, Thành-Cát-Tư-Hãn không phải là một nhà lãnh đạo đã
dại dột ngỏanh mặt trước những kinh nghiệm quí báu của các dân tộc văn
minh. Trong số những cận thần của ông người ta thấy có nhiều cố vấn
ngoại quốc như Tatatonga người Thổ phồn, Mahmoud Yalawatch người
Hồi, Chu Thai người Khiết Đan... và nhờ biết nghe lời phải của các cố vấn
ấy mà guồng máy cai trị của ông tiến dần đến chỗ biết dùng văn tự, biết lập
thuế má và giảm bớt những cuộc đàn áp man rợ.
Về mặt quân sự, người ta đã bình luận rất nhiều về chiến lược, chiến thuật
của Thành-Cát-Tư-Hãn. Có người đã sánh với chiến lược của Frédéric II,
hoặc của Nã-Phá-Luân. Và gần đây cố Đại tướng Mac Arthur của Hoa Kỳ
đã xác nhận thêm: “Tất cả những nguyên tắc về chiến lược của Thành-Cát-
Tư-Hãn ở thời nào cũng là một kho tàng vô cùng quí giá cho các binh gia.
Không có binh thư chiến sách nào rõ ràng sáng sủa hơn những trang chiến
sử của Thành-Cát-Tư-Hãn”.