Nguyễn Trọng Khanh
Thành Cát Tư Hãn
Chương I
XÃ HỘI MÔNG CỔ VÀO THẾ Kỷ XII
Người Mông Cổ chính tông chính là một trong những giống dân du mục ở
miền Đông Bắc xứ Ngoại Mông ngày nay, khoảng giữa hai con sông Onon
và Kéroulène.
Họ thuộc giống da vàng, có nhiều nét đặc biệt: mặt rộng, mũi xẹp, lưỡng
quyền cao, mắt xếch, môi dày, râu cằm thưa, tóc cứng và đen. Vóc người
thấp nhưng vạm vỡ, da thẫm, hai chân hơi cong. Nhờ sống giữa một cõi đất
cằn cỗi rộng bát ngát, mùa đông lạnh cắt da, mùa hạ nóng thiêu người, họ
có sức khỏe và sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai lạ thường.
Theo truyền thuyết thì ngày xưa tổ tiên người Mông Cổ bị giống dân Thổ
(Turcs) đánh bại phải lẩn trốn trong vùng núi Erkéné- Kuoun. Cho đến thế
kỉ thứ IX họ mới dám xuống núi sinh sống ở lưu vực sông Sélenga và sông
Onon. Tù trưởng lúc bấy giờ là Bật-Tê-Si-Nô (Sói Xám) lấy bà Cô-A Ma-
Ran có một trai duy nhất tên Ba-Tát-Si. Từ đó xuống mười ba đời nữa đến
Đô-Bun: ông này mất sớm để lại bà vợ là A-Lan-Khoát-Nhã, một hôm
nhiễm phải một luồng ánh sáng, thụ thai rồi sinh ra ba người con. Người
con út tên là Bu-đăng-Sa, là ông tổ của bộ tộc Bọt-di-Dinh, dòng Ni-Ruôn,
nổi tiếng là người giản dị. Ông ta thường chỉ cỡi một con lừa ghẻ lở, đuôi
còi… Đó là ông tổ tám đời của Thành Cát Tư Hãn.
Đến thế kỉ thứ XII, dân Mông Cổ chia ra nhiều đoàn trại (Oulouss) độc lập,
khi thì đánh lẫn nhau, khi thì họp lại đánh kẻ thù chung là dân Thát Đát.
Gia đình của Thành Cát Tư Hãn thuộc tộc Ki-Dát, bộ tộc Bọt-di-Dinh. Từ
khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất được Mông Cổ, các sử gia thường chia
giống dân này ra làm hai dòng, căn cứ ở chỗ họ thuộc dòng Ki-Dát hay
dòng khác.