4. Hạng nô lệ (Bogoul)
Hạng sau này gồm những người nô lệ và những bộ lạc bại trận bị bắt đi
chăn súc vật hoặc phục vụ cho chiến sĩ.
Trong bộ lạc săn bắn vai trò của giai cấp quý tộc không quan trọng như ở
bộ lạc du mục. Ở đây hạng pháp sư (Chaman) chi phối mọi mặt trong đời
sống; nói chung trong xã hội Mông Cổ pháp sư đóng vai trò thật quan
trọng. Sau này chúng ta sẽ thấy vai trò của pháp sư Cốc Chu trong việc
dựng đế quốc của Thành Cát Tư Hãn.
Thật ra, việc phân chia hai thứ bộ lạc (săn bắn, du mục) như trên không có
tính cách tuyệt đối. Như dân Taidjiout lại là dân săn bắn ở rừng, còn Thành
Cát Tư Hãn lại xuất thân ở bộ lạc du mục. Dân săn bắn thường mang một
loại guốc bằng cây hoặc xương, hoạt động suốt cả mùa đông ngay trong tiết
đại hàn. Họ tìm loại điêu thử (zibeline) và loại chuột màu tro (petit-gris).
Dân du mục cũng đi săn, chuyên dùng cung tên và giây thòng lọng tìm loài
sơn dương, loài mang mễn. Bọn quý tộc thì luyện chim ưng thả đi bắt các
loài khác. Tùy lúc thịnh suy, một bộ lạc có thể bỏ lối sống du mục qua lối
sống săn bắn, hoặc ngược lại. Chẳng hạn Thành Cát Tư Hãn lúc thiếu thời,
hồi bộ lạc tan rã phải cùng với cha mẹ và em rút vào rừng đi săn bắn sống
qua ngày, rồi sau đó mới trở ra gây lại một đàn súc vật.
Những bộ lạc ở rừng nói chung trình độ còn thấp kém, dã man vì họ không
hề tiếp xúc với những dân tộc văn minh hơn. Dân du mục tiến bộ hơn nhờ
gần gũi với dân Thổ Phồn, dân Khiết Đan, dân Nữ Chân (nước Kim sau
này).
CÁI LỀU TRÒN
Đời sống du mục phải bắt buộc lang thang đây đó nhưng có lúc họ cũng
dừng chân lại một chỗ khá lâu. Đó là lúc đóng trại. Mỗi đoàn trại gồm có
nhiều khóm lều (ayil) dựng trên nền cỏ hoặc trên xe bốn bánh sắp vòng